Vụ 11 giảng viên nghỉ việc: ĐHQG TP.HCM tiến hành xác minh lại

Chiều 4-3, nguồn tin của plo.vn từ ĐHQG TP.HCM cho biết, vừa qua, ĐHQG TP.HCM đã nhận được văn bản từ Thanh tra Chính phủ về sự việc 11 giảng viên tại Khoa Hàn Quốc học (Trường ĐH KHXH&NV) nghỉ việc.

Theo vị này, trước đó, nhóm giảng viên này đã gửi hồ sơ phản ánh lên Thanh tra Chính phủ và được Thanh tra Chính phủ chuyển đơn về trường để nhà trường xem xét trả lời và giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, có thể chưa đồng tình với kết quả giải quyết của nhà trường, vừa qua, nhóm giảng viên đã tiếp tục gửi kiến nghị phản ánh lần hai ra Thanh tra Chính phủ.

Và lần hai này, Thanh tra Chính phủ đã chuyển đơn về ĐH Quốc gia TP.HCM. Do đó, hiện nay, ĐH Quốc gia TP.HCM đã thụ lý đơn và đang giải quyết.

“ĐH Quốc gia TP.HCM đã lập tổ xác minh với các thành phần như công đoàn, pháp chế… và sẽ tiến hành xác minh lại toàn bộ sự việc từ ngày 4-3. Kết quả việc xác minh chúng tôi sẽ báo cáo về Thanh tra Chính phủ” – vị này nói.

Vị này cho biết thêm, trước đó, các giảng viên chưa có thông tin phản ánh nào lên ĐH Quốc gia TP.HCM một cách chính thức. ĐH Quốc gia TP.HCM nắm được sự việc chủ yếu thông qua báo chí đăng tải và báo cáo của nhà trường gửi lên.

Trường ĐH KHH&NV  - nơi đang xảy ra sự việc. Ảnh: CTV

Theo đó, như plo.vn đã thông tin, từ ngày 25-1, 12 giảng viên ở Khoa Hàn Quốc học của Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã đồng loạt xin nghỉ việc. Trong đó, một giảng viên đã rút đơn và tiếp tục hợp đồng với nhà trường.

Theo nội dung phản ánh của nhóm giảng viên này, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ năng lực quản lý còn hạn chế, yếu kém, thiếu dân chủ và chuyên quyền của bà Nguyễn Thị Phương Mai cũng như việc nhà trường bổ nhiệm “thần tốc” cho vị trí này. Kéo theo sau đó là cách giải quyết sự việc chưa thỏa đáng của nhà trường từ tháng 9-2020 cho đến nay.

Hiện nay, trường đã ra ba quyết định chấm dứt hợp đồng. Các trường hợp còn lại, nhà trường đang giải quyết tuần tự. Đồng thời, trường có văn bản phê bình Trưởng khoa vì có những hạn chế trong công tác quản lý, đề nghị rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục. Đối với 11 giảng viên, trường đã ra văn bản phê bình vì thiếu sự tôn trọng tổ chức, làm ảnh hưởng uy tín của trường, có những chi tiết phản ánh sai sự thật khách quan.

Để đảm công tác giảng dạy, Khoa Hàn Quốc học phải bố trí giảng viên khác đứng lớp thay những người đã nghỉ việc. Đồng thời điều chuyển giảng viên từ các đơn vị khác về (nhiều tiến sĩ tốt nghiệp ở Hàn Quốc) và tuyển dụng mới để bổ sung cho số giảng viên đã nghỉ việc.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm