Xử phạt trong giáo dục: Chỉ đánh vào túi tiền

Bộ GD&ĐT vừa đưa dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục ra lấy ý kiến góp ý công khai từ xã hội. Ngày 19-3, Bộ cũng đã tổ chức một hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo này. Rất nhiều ý kiến đồng tình với việc phải xây dựng một nghị định xử phạt hành chính mới, bổ sung nhiều hành vi phát sinh trong thực tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng một số quy định trong dự thảo nghị định không phù hợp, không biết đâu mà thực hiện!

Phạt tiền không là mục đích tối thượng

Về quy định tại Điều 20 “Ngược đãi, hành hạ người học; xâm phạm nhân phẩm, thân thể nhà giáo”, thầy Nguyễn Hoàng Việt - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM) cho rằng: Việc phạt tiền với những hành vi trên là việc làm không cần thiết, bởi hành vi “xâm phạm…” - tùy mức độ hành vi đã được quy định tại Bộ luật Dân sự (nếu xúc phạm danh dự, nhân phẩm), Bộ luật Hình sự (nếu đe dọa đến tính mạng hay xâm hại đến thân thể). “Trong giáo dục, mục đích tối thượng là giáo dục mối quan hệ thầy-trò, thầy-thầy, phụ huynh-giáo viên… để sống tốt hơn chứ không phải “đánh” vào túi tiền của người thầy hay học trò” - thầy Việt nói.

Chia sẻ vấn đề này, cô Phạm Thị Thúy Vĩnh, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Ngô Thời Nhiệm, cho rằng xử phạt hành chính bằng tiền là không ổn, vô tình gây ra phản ứng ngược cho học sinh, ỷ lại đồng tiền rồi có lời lẽ, hành vi không tốt trong môi trường sư phạm.

Còn ThS Cao Vũ Minh, khoa Luật hành chính Trường ĐH Luật TP.HCM, thì cho rằng: “Cần quy định rõ hơn, chẳng hạn khi xảy ra sự việc, ai là người xác thực hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm, sự thóa mạ. Một giáo viên chửi học sinh là “ngu”, cả lớp không dám nói thì liệu ai dám chứng minh đó là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học hoặc ngược lại. Tôi nghĩ cái này cần làm rõ hơn chứ đừng để những quy định chỉ nằm trong sách”.

Xử phạt trong giáo dục: Chỉ đánh vào túi tiền ảnh 1

Tại TP.HCM, các trường tiểu học ở các quận, huyện ngoại thành luôn vượt ngưỡng sĩ số 45 học sinh/lớp. Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Tân Thới Hiệp, quận 12 năm học 2012-2013. Ảnh: QV

Sĩ số lớp dư, lỗi của nhà trường?

Bàn về quy định xử phạt 5-20 triệu đồng đối với hành vi bố trí số lượng học sinh, sinh viên/lớp vượt quá mức quy định, hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Gò Vấp cho rằng chủ trương xử phạt là cần thiết để đưa giáo dục vào khung chuẩn chung. Tuy vậy, quy định phải khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Điều lệ trường tiểu học quy định sĩ số học sinh là 35 em/lớp nhưng cũng tùy theo điều kiện thực tế mới đạt được. Sĩ số học sinh cao hay thấp, trường có đủ lớp học hoặc sân chơi hay không thuộc quyền của nhà trường.

Ông Trần Trọng Khiêm, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú, cũng ý kiến cần phân cấp xử phạt chưa rõ ràng. “Nếu chỉ phạt ngành giáo dục là không có cơ sở, vậy trách nhiệm các đơn vị liên quan ở đâu? Nhà trường nhận ngân sách Nhà nước để phát triển sự nghiệp giáo dục theo nhu cầu xã hội, nếu phạt nhà trường thì cũng coi như lấy ngân sách Nhà nước để đóng phạt vào ngân sách lại càng không phù hợp!” - ông Khiêm nói.

Bà Nguyễn Thị Thắng, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Hà Nội), đề nghị Bộ GD&ĐT nên có khảo sát tình trạng quá tải trên phạm vi cả nước, điều kiện đáp ứng thực tế của từng trường, từ đó mới áp được chỉ tiêu học sinh/lớp được, tiếp nữa cũng cần phải tính đến yếu tố vùng miền, ví dụ như ở nông thôn, miền núi thì vận động học sinh đi học còn khó, nói gì quá tải.

Bà Cao Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mai Dịch (Hà Nội), bày tỏ: “Áp dụng quy định này đối với các trường tiểu học ở nội thành là điều không tưởng, khó khả thi. Việc vượt sĩ số học sinh/lớp không phải là mong muốn của nhà trường, mà do điều kiện vật chất hiện tại không đáp ứng được, nếu phạt thì tôi nghĩ nên phạt chính quyền địa phương vì không lo được mặt bằng, diện tích cho trường. Sĩ số lớp ở cấp tiểu học tối đa không quá 35 em/lớp, tôi nghĩ đó là mơ ước của nhiều trường, trong đó có cả trường tôi”.

Thế nào là “cản trở học sinh đến trường?”

Khoản 2 Điều 9 quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 2-3 triệu đồng đối với hành vi cản trở việc đi học của người học các cấp phổ cập là chưa thỏa đáng. Ví dụ, ngày hôm đó cha mẹ bận đi công tác, nhờ người giúp việc đưa đến trường nhưng người này lại bận việc riêng mà không hoàn thành việc được giao thì có xử phạt không? Hoặc trong trường hợp học sinh chơi với một đối tượng khác, có thể cùng trường hoặc khác trường, khi đến cổng trường, nhóm bạn của học sinh này không cho bạn vào trường và rủ rê đi chơi thì có phạt không?

Ban soạn thảo cần xem xét lại chủ thể vi phạm là ai, như cha mẹ, người thân, có thuộc đối tượng xử lý trong quy định này không? Cần định nghĩa cụ thể việc “cản trở học sinh đến trường” là như thế nào nếu không rất khó thi hành.

ThS CAO VŨ MINH,khoa Luật hành chính Trường ĐH Luật TP.HCM

NHÓM PV GIÁO DỤC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm