Giáo viên đi... cày!

“Sinh con được ba tháng là em phải gửi con cho mẹ rồi lên đây ngay. Đêm đêm ngực đau nhức vì căng sữa, nằm nhớ con em khóc suốt. Giờ thì bé đã tám tuổi rồi. Mỗi năm nhiều nhất chỉ về được hai lần…” - cô giáo Lê Thị Hương ở bản Ko Kài, xã Trung Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) kể.

Phận giáo viên hợp đồng

Cô Hương có chồng ở Quảng Xương, cách trường học mà cô đang cắm chốt gần 200 km, đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Cô là giáo viên hợp đồng, dạy lớp 2, lương chỉ có 900.000 đồng/tháng.

Hoàn cảnh cô Hương hay nhiều giáo viên khác là khá tiêu biểu cho hầu hết các giáo viên hợp đồng mà tôi đã gặp trên các huyện vùng cao Thanh Hóa này.

Ở Trường THCS Hiền Chung (xã Hiền Chung, huyện Quan Hóa), có cô đang bế con hai, ba tuổi, chồng chật vật mấy tháng mới lên thăm một lần. Đến giờ lên lớp, các cô phải gửi cháu bé cho các học sinh lớp lớn chưa đến giờ học bế hộ ngồi ở cuối lớp. Mỗi khi bé đói khóc đòi bú, cô phải ngừng dạy cho con bú rồi trở lên bục giảng tiếp tục công việc gieo chữ của mình.

Tôi gặp thầy Vi Văn Hạch ở bản Pượn (xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa) khi thầy đang xắn quần cày ruộng để có thêm cái ăn. Bốn thầy cô khác, có người ra suối bắt cá, có người vào rừng hái măng, có người vót nan… “Phải như thế chứ với 900.000 đồng một tháng thì làm sao đủ mua gạo và các nhu yếu phẩm khác. Rồi còn phải tằn tiện để dành từng đồng mới có tiền xe cộ về xuôi” - thầy Hạch nói với giọng buồn buồn.

Tôi đến nhà lưu trú các thầy cô vào buổi trưa, nhằm lúc các giáo viên đã dọn ra bữa cơm. Trong mâm chỉ có đĩa măng xào và một ít cá vụn. Thầy Hà Văn Quang cười: “May quá, hôm nay có khách đến, em vừa đi suối về để cải thiện món tươi”. Rồi thầy kể về cuộc sống của các giáo viên ở các điểm trường khác, nơi chỉ có một, hai lớp không có nhà lưu trú. Giáo viên phải ở chung với nhà dân trong bản, gạo gửi luôn cho bà con để nấu ăn chung. Thời điểm này đúng mùa giáp hạt, hầu hết người dân nơi đây phải ăn cơm độn, dân ăn gì thì các thầy cô phải ăn chung cái đó. Ngoài những giờ lên lớp hay soạn giáo án, thầy cô còn giúp chủ nhà cùng lên nương làm rẫy…

Giáo viên đi... cày! ảnh 1

Ngoài giờ lên lớp, thầy Vi Văn Hạch, giáo viên Trường Tiểu học Trung Sơn (xã Trung Sơn, Mường Lát, Thanh Hóa), phải đi cày ruộng để có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Ảnh: NGUYỄN DÂN

Phía sau con chữ

Chánh Văn phòng UBND huyện Quan Hóa Hà Văn Ca bức xúc nói: “Theo quy định, ở dưới xuôi cứ 22,5 học sinh thì có một giáo viên biên chế, chiếu cố vùng cao dân cư rải rác, con số này là 18,5. Nhưng con số này cũng chẳng phản ảnh được thực tế. Anh tính đường đèo núi, người dân tộc ở rải rác các bản xa, nếu tập trung trường lại thì các em không thể đi học vì phải trèo đèo lội suối cả chục cây số. Vì thế phải mở các điểm trường tại các thôn bản. Có lớp chỉ có 5-7 học sinh cũng phải có một giáo viên. Thầy cô giáo ăn ngủ tại bản luôn”.

Rồi ông Ca nhẩm tính: “Lương giáo viên biên chế hệ số X nhân với 830.000 đồng cộng với hệ số vùng cao cộng với trợ cấp lưu trú, tất cả chỉ trên dưới 5 triệu đồng. Trong khi đó giáo viên hợp đồng nếu cao đẳng thì được 900.000 đồng, đại học thì được 1 triệu đồng. Ngoài ra không có gì khác. Con số 18,5 quái ác khiến lượng giáo viên hợp đồng ở đây chiếm rất cao. Toàn huyện có khoảng 700 giáo viên. Theo quy định “con số 18,5” ấy, huyện phải hợp đồng thêm đến 400 giáo viên nữa mới đủ”.

Tỉ lệ này cũng khá khớp đúng khi tôi đến Trường THCS Hiền Chung. Tổng số giáo viên, công nhân viên là 18 người, trong đó có tám giáo viên là hợp đồng.

“Hiện nay gần như tất cả giáo sinh ra trường ai cũng dạy hợp đồng, không ai được biên chế” - Trưởng phòng Giáo dục huyện Quan Hóa Mai Bá Thúy cho biết. “Anh nghĩ coi, cùng làm một việc như nhau. Một bên 4-5 triệu đồng, một bên chỉ có 1 triệu đồng. Chúng tôi kêu suốt mà trên có nghe đâu. Để đỡ đần phần nào chúng tôi phải ghép lớp, dồn tiết cho các giáo viên hợp đồng để họ có thêm 600.000-700.000 đồng/tháng. Các khoản đóng góp đi nghỉ dưỡng hoặc liên hoan, nhà trường động viên các giáo viên biên chế gánh vác hộ giáo viên hợp đồng” - Hiệu phó Trường THCS Hiền Chung Lê Mạnh Hùng nói.

▲▲▲

Rẻo cao Mường Lát. Những con đường quanh co khúc khuỷu qua những con suối, con nguồn, những đàn em nhỏ vẫn tung tăng ríu rít đến trường. Những bản người Mông, người Mường heo hút chơ vơ trên sườn núi xa xôi, tiếng trẻ con đọc chữ vẫn ê a trong lớp. Những hình ảnh, âm thanh tươi đẹp ấy khiến một người miền xuôi như tôi thật sự xúc động. Nhưng để duy trì được những hình ảnh đẹp này chẳng lẽ chúng ta cứ động viên lòng yêu nghề suông của các thầy cô giáo mãi hay sao? Câu hỏi ấy cứ ám ảnh tôi suốt thời gian cưỡi xe trên cung đường “ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” để về xuôi…

Giáo viên “nghĩa vụ”

Nỗi niềm nhà giáo vùng cao còn vấn đề bức xúc khác mà lâu nay ngành giáo dục chưa giải quyết được. Đó là trường hợp giáo viên theo “tiêu chuẩn nghĩa vụ”. Người tại địa phương được đào tạo đủ chuẩn làm giáo viên chiếm tỉ lệ rất thấp cho nên đa số giáo viên ở đây được điều động từ giáo viên ở các huyện miền xuôi như Hậu Lộc, Quảng Xương, Nông Cống, Bỉm Sơn… lên giảng dạy.

Trước đây, người ta vẫn thường áp dụng cái nghĩa vụ này là năm năm, nghĩa là những giáo viên dưới xuôi lên vùng cao dạy năm năm nghĩa vụ xong sẽ được cho về. Nay thì không ai nhắc tới thời hạn nghĩa vụ đó cả. Vì vậy rất nhiều thầy cô giáo đều có thâm niên bảy năm, chín năm hay lâu hơn nữa bám trụ ở núi rừng. Thầy Phạm Văn Dũng (Trường THCS Hiền Chung, xã Hiền Chung, Quan Hóa) có vợ và con ở dưới xuôi, cả năm thầy mới về thăm nhà được một lần. Cô Ngân Thị Với (Trường Tiểu học Trung Lý II, xã Trung Lý, huyện Mường Lát) có chồng và con nhỏ ba tuổi đang ở dưới xuôi nhưng hai năm cô mới có điều kiện về thăm chồng con…

NGUYỄN DÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm