Giáo viên “sẩy miệng”, học trò trầm cảm

Ví học sinh là ma, là quỷ

Một vị lãnh đạo ngành giáo dục kể rằng, ông đã từng xử lý vụ việc liên quan đến nữ sinh tên Yến đang theo học tại một trường THPT ở TPHCM. Em này đòi chuyển sang lớp khác, nếu không sẽ bỏ học. Khi hỏi han sự tình mới hay, một lần trong giờ học, em bị rơi chiếc bút nên cúi xuống tìm. Khi em đang lom khom tìm bút thì trên bục giảng, giáo viên (GV) nói vọng xuống: “Ủa, lớp mình có nuôi chó à?”.

Từ đó, các bạn đặt cho em này biệt danh là Yến “chó” làm em mất hết tự tin. Sang năm học mới, thấy cô giáo nọ vẫn dạy lớp mình, Yến nhất quyết đòi chuyển.

Giáo viên “sẩy miệng”, học trò trầm cảm ảnh 1
Ở độ tuổi mới lớn, học trò rất dễ bị tổn thương bởi những lời lẽ thiếu tôn trọng từ người lớn.
Em N.T.T, theo học tại một trường THPT ở Gò Vấp, TPHCM cho hay, em chứng kiến không ít GV thường xuyên dùng những lời lẽ nặng nề với HS. Như việc HS bị chửi ngu, dốt, dở hơi… là thường, một số GV còn lôi cả phụ huynh vào để “đay nghiến” HS như: “Ba mẹ các người không biết dạy”, “Nòi anh chị ngu nên có thế mà không biết”… Bản thân T. trước khi chưa chuyển trường em cũng bị sốc trước lời lẽ của một cô giáo trẻ. T. hoạt động Đoàn rất năng nổ, được nhiều thầy cô trong trường quý mến nhưng riêng GV này rất khó chịu với T., luôn gây khó dễ trong việc học của em. T. phán đoán do có lần tham gia hoạt động Đoàn trùng với tiết dạy của cô nên T. xin nghỉ, có thể vì thế mà cô cho rằng T. không coi trọng môn mình dạy. Trong tiết dạy ở lớp bên cạnh, cô giáo này đã thẳng thừng nói về T.:  “Nó tưởng làm Đoàn là ngon à? Nhìn cái mặt đeo kính xấu ớn, đen như quỷ mà tưởng ta đây đẹp lắm, giỏi lắm!". T. đã suy sụp tinh thần hoàn toàn bởi theo em khẳng định cô không "lỡ miệng" lúc tức giận mà nói như bêu rếu học trò một cách ác ý. GV thiếu tâm huyếtNhiều HS cho rằng, việc GV xúc phạm học trò thường xảy ra trong hai trường hợp. Có những GV thường xuyên buông những lời khó nghe nhằm xúc phạm làm tổn thương học trò cũng như để hả cơn giận nhưng có GV la mắng xuất phát từ sự lo lắng, mong các em tiến bộ hơn. Học trò ít nhiều đều cảm nhận được mục đích la mắng của các cô là vì thương hay vì ghét. Nhưng dù bất cứ trường học nào thì GV đều đánh mất hình ảnh của mình trong mắt HS. Chưa kể, có GV mắng HS sai mười mươi nhưng lại né tránh việc xin lỗi nên nhiều khi sự việc nhỏ lại thành ra trầm trọng. Một HS ở Q.5, TPHCM kể rằng, trong giờ học thêm môn Sử, thấy nhóm bạn nữ đang ngồi nhâm nhi me chua, cô giáo buông lời: “Các chị ốm nghén à?”. Các bạn nữ sinh đỏ mặt vì xấu hổ còn những HS khác trong lớp cũng lặng người vì quá bất ngờ trước câu nói của một GV lớn tuổi nổi tiếng chuẩn mực, được nhiều thế hệ học trò kính trọng. “Sau khi dạy được nửa tiết, bất ngờ cô dừng lại và nói: “Lúc nãy cô lỡ lời với các em, cô xin lỗi”. Thế là mọi thứ được giải tỏa, bọn mình lại càng thêm kính trọng cô. Nhưng những GV dám xin lỗi HS thế này em nghĩ là rất hiếm”, HS này nói. Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM mới đây, nhiều HS THPT cũng phản ánh tình trạng có những GV thay vì giúp đỡ, chia sẻ với HS lại chỉ chăm chăm bắt lỗi, chửi mắng làm HS luôn phải sống trong tâm trạng lo lắng, đến mức có em còn bị trần cảm, học hành sa sút cũng như ảnh hưởng đến quan hệ thầy trò. Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Sở TPHCM cho rằng môi trường sư phạm là nơi gắn kết HS với gia đình, nhà trường giúp các em vượt qua những khó khăn trong học tập, cuộc sống. GV dạy học mà sử dụng những lời lẽ la mắng, chửi bới HS là đã vi phạm đạo đức nhà giáo. Đứng ở góc độ quản lý, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm đối với những GV làm tổn thương học trò. Ông Đỗ Quốc Anh, Vụ trưởng, Giám đốc Văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM bày tỏ chưa nói đến việc mạt sát, hạ nhục học trò mà nhiều khi chỉ câu nói đùa, vô tình không ác ý nhưng không đúng chuẩn sư phạm của GV cũng có thể ảnh làm hưởng đến HS. Bởi ở độ tuổi này các em rất nhạy cảm, dễ tổn thương. Theo ông Đỗ Quốc Anh, biết rằng GV chịu rất nhiều áp lực công việc, nhưng chỉ có thể thông cảm khi họ có thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng. Còn khi đã chọn nghề giáo họ phải hiểu rằng trước hết phải có tình thương, tâm huyết đối với học trò.
Theo Hoài Nam (DT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm