Gợi ý cho bị cáo tranh luận: Tạo bình đẳng, tiến bộ!

Gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều phiên tòa mà chủ tọa gợi ý cho bị cáo chủ động tranh luận với kiểm sát viên...

Ngày 24-6, TAND TP.HCM xử sơ thẩm một vụ cố ý gây thương tích. Sau khi kiểm sát viên phát biểu quan điểm luận tội, chủ tọa nói với bị cáo Nguyễn Sơn Hà (không có luật sư bào chữa): “Bị cáo có quyền tranh luận lại với vị đại diện VKS. Bị cáo thấy có vấn đề gì thì cứ mạnh dạn nói”…

Tòa gợi mở

Sau khi bị cáo Hà nói xong một ý, chủ tọa ôn tồn khuyến khích: “Bị cáo còn gì muốn nói thì cứ tiếp tục đi. Bị cáo cố gắng tập trung tự bào chữa, sao cho mình nhẹ tội hơn chứ đừng lan man sang những vấn đề khác không liên quan đến vụ án”. Như giải tỏa được tâm lý lo sợ, nghe xong lời của chủ tọa, bị cáo Hà lại tiếp tục mạnh dạn đưa ra nhiều ý kiến để tranh luận với công tố viên.

Một vụ khác, gần đây TAND huyện Dĩ An (Bình Dương) xử sơ thẩm một vụ trộm cắp tài sản. Sau khi kiểm sát viên luận tội xong, chủ tọa hỏi bị cáo có tranh luận gì không. Bị cáo ngập ngừng rồi trả lời: “Thưa, không!”. Chủ tọa hỏi lại: “Bị cáo có chắc là không tranh luận không?”. Bị cáo tiếp: “Dạ, không”...

Thấy vậy, vị chủ tọa gợi ý: “Khi xét hỏi, bị cáo một mực nói mình chỉ trộm cắp không đạt. Phần buộc tội, công tố viên bác ý kiến của bị cáo thì tại sao khi có cơ hội phản bác lại để bảo vệ quyền lợi của mình, bị cáo lại không nói?”. Lúc này bị cáo mới thật thà: “Thưa tòa, tại vì bị cáo ít học, không biết nói thế nào!”. Chủ tọa giải thích tiếp: “Vấn đề ở đây không liên quan đến việc học ít hay học nhiều. Sự việc thế nào thì bị cáo cứ trình bày đúng thế ấy. Bị cáo đã lớn, việc nói ra suy nghĩ của mình đâu phải là khó”.

Gợi ý cho bị cáo tranh luận: Tạo bình đẳng, tiến bộ! ảnh 1

Phần lớn các bị cáo có tâm lý e sợ khi được chủ tọa gợi ý cho phép tranh luận với VKS. Ảnh: HTD

Sau khi được tòa gợi mở, bị cáo này đã mạnh dạn trình bày nhiều hơn những tình tiết liên quan đến vụ án, thậm chí còn dẫn ra được vài bằng chứng phản biện lại những gì mà VKS quy kết. Kết quả là phần tuyên án, một số ý của bị cáo đã được tòa chấp nhận.

Xu hướng tiến bộ

Nhiều thẩm phán cho biết ra tòa rất ít bị cáo tranh luận đến đầu đến đũa. Có người còn không hiểu chủ tọa bảo tranh luận là phải làm sao nên họ không nói hoặc nói rất ít. Có thể một phần do họ ít có kiến thức pháp luật để “bẻ” lại VKS, một phần họ thấy tội mình quá rõ... Nhưng quan trọng là họ có tâm lý e sợ nên không biết nói thế nào. Nhiều thẩm phán thấy thế cũng không để ý, dễ dàng cho qua.

Theo Thẩm phán Hoàng Văn Hải, Phó Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh, việc chủ tọa gợi mở vấn đề cho bị cáo sử dụng quyền tranh luận tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp là rất cần thiết, thể hiện trách nhiệm cao của thẩm phán. Hình thức này cần nhân rộng để ngày càng có nhiều phiên tòa thực sự văn minh, dân chủ.

Trong buổi tọa đàm do Pháp Luật TP.HCM tổ chức gần đây, Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) cũng khẳng định chủ tọa hoàn toàn có quyền yêu cầu và gợi ý cho bị cáo tranh luận với kiểm sát viên. Thậm chí nếu thấy kiểm sát viên chưa tranh luận hết ý mà bị cáo, luật sư nêu ra thì chủ tọa cũng có quyền yêu cầu kiểm sát viên tranh luận tiếp. Việc gợi ý tranh luận cho bị cáo đảm bảo cho việc tất cả ý kiến đưa ra tại phiên tòa đều được VKS tranh luận đầy đủ. Tất nhiên với những bị cáo lợi dụng chuyện tranh luận để nói hươu nói cuội thì chủ tọa có quyền cắt và giải thích cho họ biết chỉ được nói những vấn đề gì.

TAND TP.HCM chú trọng chất lượng tranh tụng

Tháng 4 vừa qua, báo cáo với TAND Tối cao, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TP.HCM cho biết ngành tòa án TP đã rất chú trọng tới chất lượng tranh tụng, tạo điều kiện cho các bên trình bày ý kiến dân chủ, bình đẳng, làm cơ sở xác định sự thật vụ án. Trong các phiên tòa, chủ tọa đã thể hiện vai trò gợi mở những vấn đề chưa sáng tỏ để bị cáo và luật sư tranh luận lại với đại diện VKS, làm rõ các tình tiết của vụ án...

Chỉ gợi ý về tố tụng

Theo luật, chủ tọa chỉ được gợi ý về tố tụng. Cụ thể là chủ tọa nên sử dụng những điều luật quy định về quyền và nghĩa vụ của bị cáo tại tòa để gợi ý và nói cho bị cáo hiểu, tránh tâm lý lo sợ. Chủ tọa không nên gợi ý những câu hỏi cụ thể về nội dung vụ án giống như kiểu hỏi mớm, phân tích rằng VKS nói sai cái này, sai cái kia...

Thẩm phán HOÀNG VĂN HẢI, Phó Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh

Tạo sự văn minh, bình đẳng

Tôi nghĩ việc chủ tọa gợi ý cho bị cáo tranh luận thể hiện một nền tố tụng văn minh và tạo ra tính bình đẳng, dân chủ trong phiên tòa. Mục đích của việc xét xử là làm rõ bản chất vụ án nên nếu không tạo điều kiện cho bị cáo tranh luận, nói ra những điều ấm ức có khi việc kết tội sẽ không khách quan, thuyết phục.

Luật sư LÊ VĂN BÌNH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Nói lên bản lĩnh của chủ tọa

Vẫn còn những phiên xử mà chủ tọa phiên tòa ít chú ý phần tranh luận, cho rằng đây là phần của luật sư và kiểm sát viên. Điều này dẫn đến việc khi nhận định trong bản án, ý kiến tranh luận của bị cáo, luật sư và kiểm sát viên không được ghi nhận đầy đủ. Một chủ tọa có bản lĩnh ngoài việc chú ý nghe tranh luận phải biết gợi mở tranh luận để tìm ra sự thật khách quan của vụ án.

Một luật sư Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm