Góp ý xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Kỳ vọng một bước chuyển mạnh mẽ

Thông điệp của Hội nghị Trung ương 4 (vừa bế mạc hôm 31-12-2011) đã khơi dậy những hy vọng về một bước chuyển mạnh mẽ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng thực sự “là đạo đức, là văn minh”. Pháp Luật TP.HCM ghi nhận một số ý kiến bạn đọc về vấn đề này.

Mở cuộc chỉnh đốn Đảng thật sự

Bài phát biểu của Tổng Bí thư rất sâu sắc, nhìn nhận thấu đáo, thẳng thắn. Nhưng để bài phát biểu đó đi vào cuộc sống thì Đảng phải mở một cuộc chỉnh đốn Đảng thực sự. Trong đó, việc chỉnh đốn đối với người lãnh đạo phải được làm trước và phải tầm soát được những người lãnh đạo đó. Trong quá trình phê và tự phê, chỉnh đốn đó thì đảng viên cũng như nhân dân có quyền đóng góp, phát hiện ra những kẻ tham nhũng và nếu có thì phải xử lý ngay.

Một việc rất quan trọng là chống tham nhũng thì đã nói từ rất lâu rồi nhưng lâu nay chưa ngăn chặn, đẩy lùi được như nghị quyết của Đảng đề ra. Ngay như việc kê khai tài sản, mục đích là để chỉ ra những tài sản không minh bạch. Muốn như vậy thì người kê khai phải trả lời, thuyết minh cho đủ làm sao mình có được những tài sản đó. Nếu trả lời không được thì có bị xem là tham nhũng hay không cũng phải tính đến. Đồng thời kết quả kiểm tra này phải được công khai cho nhân dân thấy và phải chuyển cơ quan chức năng xử lý ngay, thậm chí phải xử nặng. Lâu nay chưa làm được cái này, mới chỉ làm hình thức thôi. Chính những cái đó làm mất lòng tin của nhân dân…

Ông NGUYỄN QUÝ CẢ, nguyên giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh

Làm gương bằng chính cuộc sống thực tiễn

Hiến pháp nước ta quy định Đảng lãnh đạo toàn diện nên đặt vấn đề đảng viên phải làm gương là đúng. Vậy ai sẽ phải làm gương trước tiên? Theo tôi, đó phải là những đồng chí cấp cao nhất, các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương, trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, sau đó là các đồng chí lãnh đạo cấp tỉnh và tất cả đảng viên.

Góp ý xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Kỳ vọng một bước chuyển mạnh mẽ ảnh 1

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng vững mạnh càng tạo được lòng tin nơi nhân dân. Ảnh: HTD

Đảng viên trước hết phải là một người có năng lực tốt, điều này được đánh giá qua cách điều hành công việc. Nhưng chừng đó chưa đủ mà họ còn phải là tấm gương ở các mặt để người khác có niềm tin mà noi theo. Làm gương ở đây phải bằng thực tiễn cuộc sống. Trước hết là phải làm gương trong sinh hoạt. Thí dụ đảng viên đi xe cộ gì, nhà cửa vừa đủ rộng hay là dinh thự và trang trại, lối sống ra sao…, người dân nhìn vào đấy để đánh giá. Không phải dân bắt anh phải sống nghèo đi nhưng vấn đề là anh phải có đời sống vật chất đúng với mức thu nhập của anh, nếu không thì dân không tin anh là trong sạch.

Trong quan hệ gia đình, anh phải làm gương cho các thành viên khác và giáo dục con cái cho tốt, tránh mối nguy cho xã hội. Có những cán bộ đảng viên làm ở vị trí cao, năng lực giỏi, đạo đức trong sáng nhưng con cái họ lại thế này thế kia, như vậy cũng không được. Nói chung đời tư của người đảng viên, người lãnh đạo rất quan trọng. Bây giờ là thời đại của Internet, anh làm gì người ta cũng biết nên cách tốt nhất là phải tự gột rửa chính mình cho trong sạch.

Muốn Đảng trong sạch, đảng viên phải là người tiên phong chống lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình, lợi ích nhóm. Người đảng viên phải đặt lợi ích dân tộc lên trên. Nếu làm việc gì cũng bị đụng đến lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình thì không thể giải quyết nổi.

Ông LÊ HIẾU ĐẰNG, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM

Chống tệ báo cáo không trung thực

Vào Đảng là tự nguyện khép mình trong nguyên tắc tổ chức của Đảng, trong kỷ luật của Đảng, trong khi yêu cầu về quyền lợi cá nhân của con người bây giờ rất lớn, rất đa dạng. Vì thế xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay là vấn đề cực kỳ quan trọng, bức thiết, song vô cùng khó khăn, phức tạp.

Muốn xây dựng, chỉnh đốn để Đảng vững mạnh và tạo được lòng tin yêu của nhân dân thì theo tôi trong nội bộ Đảng phải thường xuyên tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội và mọi hành động chia rẽ, bè phái. Nhưng phải thừa nhận một thực tế là ở một số nơi, nội bộ Đảng hầu như mất tính chiến đấu; họp kiểm điểm thì thường tô hồng lẫn nhau, lấy lòng nhau, dĩ hòa vi quý. Cán bộ đảng viên cấp dưới thì sợ cấp trên ra mặt vì muốn giữ ghế, vì miếng cơm manh áo… Mặt khác, cơ chế lại giao cho người đứng đầu chính quyền làm trưởng ban phòng, chống tham nhũng nên hiệu quả không cao. Thiết nghĩ, mấy điều hệ trọng cần phải quyết liệt đấu tranh là: Chống tham nhũng, lãng phí, tệ quan liêu, đặc quyền đặc lợi; chống bệnh thành tích, tệ báo cáo không trung thực trong Đảng và toàn hệ thống chính trị. Đây là những điều cực kỳ hệ trọng, bức thiết và còn quan trọng lâu dài về sau.

Tôi nghĩ đất nước ta, xã hội ta chậm phát triển và có nhiều điều chưa nhận được sự đồng thuận của nhân dân, uy tín của Đảng giảm sút, gây nên sự thờ ơ của một bộ phận nhân dân đối với các hoạt động và chính sách của Đảng, gây ra những băn khoăn, lo ngại chính là từ mấy vấn đề này mà ra.

ĐÀO NGỌC ĐỆ (Hải Phòng)

N.NAM -T.MẬN ghi

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Mỗi người hãy tự gột rửa chính mình

Muốn có được sức mạnh và uy tín thì Đảng phải tự rèn luyện, tự củng cố, đổi mới, chỉnh đốn; không ai có thể làm thay được. Nếu mỗi người tự chỉnh đốn bản thân mình trước thì cả tổ chức sẽ chuyển động. Ở đây, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu làm trước; tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình; cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa; tránh xa mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài; tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ tệ hại.

(Trích phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm