Hà Nội kỳ vọng dự án vành đai 4 hơn 23.500 tỉ

(PLO)- Các đại biểu kỳ vọng đường vành đai 4 - vùng thủ đô sẽ tạo thêm động lực phát triển kinh tế TP Hà Nội, đồng thời thúc đẩy nhiều khu vực ngoại thành cất cánh…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 20-5, HĐND TP Hà Nội khóa XVI tổ chức kỳ họp chuyên đề để xem xét, quyết định chủ trương bố trí, cân đối vốn cho dự án đầu tư xây dựng đường vành đai (VĐ) 4 - vùng thủ đô.

Hà Nội đủ khả năng bố trí vốn

Trình bày tờ trình, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết đường VĐ 4 - vùng thủ đô là dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư công kết hợp phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.

Dự án vành đai 4 - vùng thủ đô đi qua ba địa phương gồm Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.

Toàn bộ dự án có tổng mức đầu tư 85.813 tỉ đồng, trong đó Hà Nội dự kiến bố trí nguồn vốn từ ngân sách TP là 23.524 tỉ đồng để triển khai dự án. Giai đoạn 2021-2025, TP bố trí 19.477 tỉ đồng; giai đoạn 2026-2030, bố trí 4.047 tỉ đồng.

“UBND TP cam kết đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án theo tiến độ. Kế hoạch vốn bố trí hằng năm sẽ được UBND TP trình HĐND TP quyết nghị cụ thể trên cơ sở thủ tục, tiến độ triển khai thực hiện dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo luật định” - ông Tuấn nêu.

Sơ đồ dự án đường vành đai 4 - vùng thủ đô. Đồ họa: HỒ TRANG

Sơ đồ dự án đường vành đai 4 - vùng thủ đô. Đồ họa: HỒ TRANG

Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP Hà Nội nhận định ngân sách để thực hiện dự án được sử dụng từ nguồn vốn bố trí cho các dự án lớn.

Nguồn vốn này đã được HĐND TP thống nhất tại Nghị quyết 21 (ngày 23-9-2021) là phù hợp. Tổng nhu cầu vốn bố trí cho dự án đường VĐ 4 - vùng thủ đô nằm trong khả năng cân đối, huy động vốn của TP, có tính khả thi cao.

Theo đó, cơ quan thẩm tra đề nghị UBND TP Hà Nội có kế hoạch, phương án, lộ trình cụ thể trong cân đối và huy động các nguồn lực tài chính hằng năm để đảm bảo kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho dự án.

“Trong trường hợp tổng mức đầu tư của dự án tăng, việc đảm bảo nguồn vốn tăng đáp ứng nhu cầu và tiến độ thực hiện của dự án là cần thiết. Ban Kinh tế - Ngân sách cho rằng trong trường hợp tăng tổng mức đầu tư, nhu cầu vốn bổ sung cho dự án sẽ chủ yếu được cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn kỳ sau 2026-2030, không vượt quá khả năng huy động của ngân sách TP” - báo cáo thẩm tra nêu.

Động lực mới cho cả vùng

Tại phiên họp, các đại biểu (ĐB) đều cho rằng dự án đường VĐ 4 - vùng thủ đô có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của Hà Nội và các tỉnh lân cận trong tương lai. Tuyến đường sẽ tạo ra sự kết nối, liên thông, không gian và động lực phát triển mới cho vùng thủ đô.

ĐB Nguyễn Thành Nam (huyện Phú Xuyên) phân tích hiện nay tuyến đường VĐ 3 đã quá tải, thường xuyên ùn tắc và trở thành lực cản cho sự phát triển. Hàng hóa lưu thông từ Hà Nội qua các tỉnh, thành lân cận và chiều ngược lại thường xuyên bị ách tắc.

“Dự án đường VĐ 4 càng sớm triển khai, hoàn thành ngày nào thì góp phần giảm sự quá tải, ùn tắc cho tuyến đường VĐ 3 ngày đó. Cùng với đó, tuyến đường sẽ góp phần hình thành những trục đô thị, cực tăng trưởng mới cho Hà Nội nói riêng và cả vùng thủ đô nói chung” - ĐB Nam nhấn mạnh.

Theo đó, ông Nam đề nghị TP cần lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực để đảm bảo chất lượng dự án. Cạnh đó, TP cần chỉ đạo chính sách bồi thường tái định cư thống nhất giữa các địa phương, tránh khiếu nại, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Còn ĐB Nguyễn Tiến Minh (huyện Thường Tín) khẳng định dự án khi hoàn thành sẽ đóng góp rất lớn cho sự phát triển của địa phương mình.

Theo ông Minh, huyện Thường Tín là một trong bảy quận, huyện có tuyến đường VĐ 4 đi qua. Điều này góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa của huyện, nhất là trong bối cảnh huyện đang phấn đấu lên quận với mũi nhọn là phát triển du lịch, dịch vụ.

Sau khi thảo luận, các ĐB HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã biểu quyết, nhất trí thông qua nghị quyết thống nhất chủ trương dự kiến nguồn vốn triển khai thực hiện dự án đường VĐ 4 - vùng thủ đô. Theo đó, dự án được bố trí từ ngân sách TP khoảng 23.524 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 là 19.400 tỉ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 4.047 tỉ đồng.

HĐND TP Hà Nội thống nhất chủ trương trong trường hợp tổng mức đầu tư của dự án thành phần do TP Hà Nội là cấp quyết định đầu tư và tổ chức thực hiện theo cơ chế được Quốc hội thông qua tại chủ trương đầu tư của dự án phải điều chỉnh tăng thì phần vốn tăng thêm sẽ được xem xét bố trí từ nguồn vốn ngân sách TP.•

Đề xuất thiết kế nổi bật cho cầu nối Hà Nội và Hưng Yên

ĐB Nguyễn Tiến Minh (huyện Thường Tín) cho biết trên địa bàn huyện Thường Tín, đường VĐ 4 sẽ nối hai địa phương Hà Nội với Hưng Yên. Phía Hưng Yên là xã Mễ Sở, bên Hà Nội là xã Hồng Vân.

Ông Minh đề xuất đặt tên cho cây cầu nối giữa hai địa phương là cầu Chí Nghĩa, lấy ý tưởng từ hai câu nổi tiếng trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Đồng thời, ông Minh đề nghị phải có thiết kế nổi bật cho cây cầu nối này để tạo điểm nhấn du lịch cho địa phương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm