Hà Nội và TP.HCM đều đề nghị xét tính đặc thù

Theo ông Đoàn, những tiêu chí về diện tích và dân số trong Nghị quyết 1211/2016 là khá cao. Hà Nội có 30 quận, huyện, thị xã; 584 xã, phường, thị trấn thì hầu hết không đạt tiêu chí về diện tích. Lớn nhất là huyện Ba Vì có hơn 200 km2, huyện trung du miền núi cũng không thể có 450 km2 theo quy định của nghị quyết. Hầu hết các phường ở nội đô, bốn quận trung tâm hình thành từ ngàn năm nay nhưng cũng không có phường nào diện tích 35 km2. Cả quận Hoàn Kiếm chỉ 5,5 km2, truyền thống ngàn năm phố cổ, phố cũ, dân số gần 20 vạn người. Lớn như quận Đống Đa có 9 km2, dân số 40 vạn người. Có những phường như Phúc Tân diện tích 0,76 km2 nhưng hơn 20.000 dân. Mai Động 0,8 km2 nhưng dân số 46.000 người…

“Trong Kết luận số 22 của Bộ Chính trị, Hà Nội được nghiên cứu xây dựng mô hình chính quyền đô thị và đang xây dựng đề án. Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cũng đã báo cáo với thành phố. Đề nghị xem xét việc sắp xếp cấp huyện, cấp xã cần được tiếp cận, tính toán ở góc độ đặc thù” - ông Đoàn nói.

Phát biểu tại hội thảo góp ý vấn đề này tổ chức tại TP.HCM mới đây, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Trương Văn Lắm cho rằng trước khi có Nghị quyết Trung ương 6, TP.HCM đã có ý định và cụ thể hóa ở đề án xây dựng chính quyền đô thị ở TP, sắp xếp các quận, huyện. Gần đây, TP cũng có đề án sắp xếp lại phường, xã và các tổ chức dưới phường, xã (ấp, tổ dân phố).

Căn cứ vào đề án này, sau khi rà soát, số quận, huyện ở TP.HCM phải sắp xếp là ba và có 128/322 phường, xã phải sắp xếp. “Như vậy là khá lớn” - ông Lắm đánh giá.

Theo ông Lắm, tiêu chí của đề án đặt ra là phường có diện tích tự nhiên từ 5,5 km2 trở lên nhưng với đặc điểm ở TP.HCM có quận diện tích chỉ đạt 5 km2. “Nếu sắp xếp để đạt tiêu chuẩn thì TP.HCM phải sắp xếp hơn một nửa quận để đạt là một phường, như vậy quy mô rất lớn” - ông Lắm nói. Từ đó ông kiến nghị cần tính đến đặc thù ở TP.HCM, không bó buộc hai tiêu chí (diện tích, dân số) đều phải trên 50%.

Một vấn đề khác trong dự thảo mà ông Lắm cho rằng TP.HCM làm không nổi, đó là về tiến độ thời gian đến năm 2020 phải hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại chưa đạt 50% tiêu chuẩn diện tích,
dân số.

Do đó, ông Lắm cho biết từ bây giờ đến cuối năm 2020 TP.HCM chỉ chọn một vài đơn vị làm thí điểm, tập trung những đơn vị hai tiêu chí không đạt. “Đối với người dân chỉ điều chỉnh một lần về địa chỉ chứ nếu năm nay sắp xếp phường, vài ba năm sau sắp xếp quận thì ảnh hưởng đến người dân rất lớn” - ông Lắm nói.

“Không đơn giản bé hay ít dân là nhập được ngay”

Hà Nội và TP.HCM đều đề nghị xét tính đặc thù ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn

Nghị quyết Trung ương 6 yêu cầu đến năm 2021 phải sắp xếp thu gọn hợp lý các xã chưa đạt 50% một trong hai tiêu chuẩn về diện tích, dân số và đến năm 2030 phải cơ bản hoàn thành sắp xếp thu gọn cả hai cấp huyện, xã. Chúng tôi thấy thách thức rất lớn mà muốn thực hiện được thì phải sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng như Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ QH. Hai văn bản này chỉ “khuyến khích” chứ chưa quy định bắt buộc phải sáp nhập nếu không đáp ứng tiêu chí.

Về lộ trình, qua khảo sát, nghiên cứu thì thấy cả nước có 16 huyện và hơn 630 xã không đạt 50% cả hai tiêu chí diện tích, dân số. Đây sẽ là những địa phương đầu tiên xem xét sắp xếp cho hợp lý. Tất nhiên, phải tính tới các yếu tố đặc thù khác, bởi không đơn giản bé hay ít dân là nhập được ngay.

Về hiệu quả tinh giản biên chế, cứ tính mỗi xã 23 định biên thì giảm được mấy trăm xã sẽ giúp gọn bộ máy đi rất nhiều. Ngân sách vậy cũng đỡ manh mún hơn.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn

“Phải căn cứ vào tình hình thực tiễn để tính toán”

Hà Nội và TP.HCM đều đề nghị xét tính đặc thù ảnh 2
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền

Sau khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương được ban hành, Ủy ban Thường vụ QH ban hành Nghị quyết 1211 quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Tiêu chí đó được xây dựng trên căn cứ khoa học, có khảo sát thực tiễn chứ không phải tự nhiên đặt ra các số liệu như thế. Mục tiêu của việc ban hành nghị quyết là sau này nếu có thành lập mới, sáp nhập... các đơn vị hành chính thì phải căn cứ vào các tiêu chí này để xem xét.

Theo Nghị quyết Trung ương 6 thì bây giờ căn cứ vào các tiêu chí của Nghị quyết 1211/2016 để sáp nhập, thu gọn đầu mối. Rõ ràng việc tinh giản biên chế và thu gọn đầu mối khó hơn nhiều so với khi tách ra. Gộp vào là khuyến khích, không cần phải tiêu chí, cứ hai, ba xã gộp vào là đồng tình cho gộp, còn lớn bao nhiêu cũng được. Nếu địa phương sắp xếp được bộ máy tổ chức, bố trí được con người, làm tốt được công tác quản lý và xây dựng địa phương ấy phát triển thì khuyến khích, không hạn chế. Cái khó là khi gộp vào thì hai bộ máy mất đi một.

Vừa rồi Lào Cai sáp nhập hai sở vào với nhau cũng chỉ có một giám đốc và hai phó giám đốc chứ không phải như ngày xưa Hà Nội sáp nhập “cơ học”, một giám đốc nhưng có tới 8, 9 ông phó giám đốc. Bây giờ sáp nhập vào buộc các ông kia phải nghỉ. Điều này lại liên quan đến việc đánh giá cán bộ thế nào, giải quyết chế độ, hỗ trợ về kinh phí ra sao.

Muốn thực hiện tất nhiên phải có nguồn lực, phải có lộ trình, thời gian, vật chất để sắp xếp lại. Vấn đề sắp xếp cán bộ thế nào để họ không tâm tư, để công việc được thuận tiện hơn... đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền địa phương phải chủ động chứ trung ương không thể làm thay được. Nghị quyết đặt ra thì anh phải thực hiện nhưng nếu quá trình thực hiện thực sự quá khó khăn, phức tạp, không thể giải quyết trong thời gian từ nay đến năm 2020 thì cũng phải đặt vấn đề báo cáo trung ương, đề xuất kéo dài lộ trình thực hiện.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm