Hạ viện duyệt thêm 2,1 tỉ USD cho AĐD-TBD, Mỹ trực tiếp đối đầu TQ ở Biển Đông?

Theo tờ South China Morning Post ngày 10-12, việc Hạ viện Mỹ thông qua gói ngân sách quốc phòng trị giá 7,1 tỉ USD cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong năm tài khóa 2022 là tín hiệu cho thấy nước này sẽ trực tiếp đối đầu với Trung Quốc.

Tăng thêm gần một nửa so với đề xuất

Cụ thể, gói chi tiêu này là một phần của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (hay NDAA), được Hạ viện Mỹ thông qua ngày 9-12. Dự luật sẽ được chuyển lên Thượng viện để thông qua lần cuối cùng vào cuối tuần này.

Đạo luật dành 768 tỉ USD cho quốc phòng. Trong đó, 7,1 tỷ USD được dùng để phục vụ Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (PDI), tăng 2,1 tỷ USD so với yêu cầu ban đầu của Lầu Năm Góc.

Hạ viện Mỹ đã thông qua khoản tài trợ 7,1 tỷ USD cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương. Ảnh: US NAVY

Với tổng giá trị 27 tỉ USD, PDI là một kế hoạch kéo dài sáu năm nhằm tăng cường sức mạnh của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Kế hoạch bao gồm việc củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa, hậu cần và hợp tác với các đồng minh trong khu vực.

Theo bản tóm tắt của dự luật, quỹ sẽ được chi cho các chuyến bay và hải trình để "duy trì sự hiện diện ở trạng thái ổn định cơ bản" ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với kế hoạch tăng cường năng lực và thúc đẩy các sáng kiến mới.

Nhận định của học giả Trung Quốc

Ông Zhao Tong - thành viên cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Carnegie-Tsinghua về Chính sách Toàn cầu ở Bắc Kinh nhận định khoản tài trợ này cho thấy Mỹ quyết tâm đối đầu trực diện với Trung Quốc về sức mạnh quân sự, khi hai nước đang có xung đột ở Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Trong một tài liệu trình lên Quốc hội vào tháng 3, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ban đầu đã đề xuất 4,68 tỉ USD cho năm tài chính tiếp theo, cũng như 22,69 tỷ USD từ 2023 đến 2027 để đáp ứng các mục tiêu của mình. Lầu Năm Góc sau đó đã đề xuất tăng lên 5,08 tỉ USD.

Tài liệu nói trên liệt kê năm lĩnh vực trọng tâm của PDI, bao gồm xây dựng lực lượng và sẵn sàng tư thế; diễn tập, thử nghiệm và đổi mới; tăng cường khả năng tấn công phối hợp giữa các lực lượng; hỗ trợ hậu cần và an ninh; và củng cố quan hệ với đồng minh và đối tác.

Theo chuyên gia Zhou Chenming của Viện khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang, khoản đầu tư PDI cho thấy Mỹ sẽ nâng cấp lực lượng liên hợp tổng hợp với mạng lưới tấn công chính xác dọc theo chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai ở Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc.

"Khoản chi PDI bổ sung sẽ củng cố kế hoạch của Lầu Năm Góc trong việc xây dựng thêm tiền đồn quân sự trong khu vực, một động thái nhằm tăng cường chuỗi cung ứng hậu cần của quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương" - chuyên gia Zhou nói.

Chuyên gia này lưu ý thêm rằng dù Chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố quân đội Mỹ không muốn xảy ra xung đột quân sự với Trung Quốc, song PDI có khả năng sẽ đẩy quân đội hai bên vào một cuộc xung đột thực sự.

Ngoài ra, NDAA cũng bao gồm các phần kêu gọi Đài Loan tham gia vào Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương năm 2022 và khuyến nghị tăng cường các tuyến phòng thủ bất đối xứng của Đài Bắc để chống lại một cuộc đụng độ trực tiếp với Bắc Kinh.

Điều này chắc chắn sẽ làm quan hệ với Trung Quốc xấu đi, vì nước này coi Đài Loan tự trị là một phần của đại lục và tuyên bố sẽ không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để thu hồi hòn đảo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm