Hàng ngàn đầu máy, toa xe lửa đã 'già nua'!

“Vấn đề nổi cộm nhất là chi phí logistics của Việt Nam ở mức cao, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% so với GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%...”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công thông tin tại hội nghị toàn quốc về logistics các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông diễn ra sáng 16-4.

Những cỗ máy cũ kỹ trong vận tải

Theo tính toán, chi phí vận chuyển container loại 40 feet bằng đường bộ từ Hà Nội vào TP.HCM (không tính chi phí xếp dỡ hai đầu) vào khoảng 40 triệu đồng, cao gấp 9,7 lần so với vận chuyển bằng đường biển và hơn 2,5 lần so với vận chuyển bằng đường sắt.

Cảng Chu Lai, một trong số những cảng biển lớn ở miền Trung. Ảnh: VIẾT LONG

Nguyên nhân chi phí đường bộ cao do sự cạnh tranh không lành mạnh, giao dịch chủ yếu qua trung gian, chưa tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của đơn vị vận tải. Bên cạnh đó, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 30%-35%, phí cầu, đường (BOT) bình quân chiếm khoảng 10%-15%.

Trong khi đó, các loại hình vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển có chi phí thấp nhưng thời gian vận chuyển kéo dài, chi phí bốc dỡ cao, chưa được đầu tư nâng cấp.

Cụ thể, đường sắt hiện có 296 đầu máy. Trong đó, 118 đầu máy dưới 20 năm, còn lại là 20-44 năm. Đặc biệt, trong số 5.957 toa xe (1.010 toa xe khách, 4.947 toa hàng) đa số có thời gian khai thác 30-40 năm, tải trọng xếp hàng thấp, chỉ 28-34 tấn/xe. Tự trọng toa xe cao, thường chiếm 40% tổng trọng toa xe, gây lãng phí sức kéo.

Đối với phương tiện đường thủy nội địa, đường biển, việc đầu tư đội tàu còn dàn trải, hầu hết các tàu đã có tuổi đời cao, các tàu được đóng mới chưa được đầu tư trang bị công nghệ tiên tiến… Đối với phương tiện hàng không, chưa có các máy bay chuyên chở hàng hóa.

Bên cạnh đó, thiết bị xếp dỡ lạc hậu, không đồng bộ hoặc kết nối các phương thức vận tải chưa tốt sẽ làm phát sinh thêm công đoạn chuyển tải trong quy trình xếp dỡ, khiến chi phí xếp dỡ tăng cao.

"Ngoài ra, các doanh nghiệp vận tải khả năng liên kết còn hạn chế, nguồn thông tin về nhu cầu vận chuyển không đủ sẽ khiến cho hiệu suất khai thác vận tải không cao..." - ông Nguyễn Văn Công nói.

Nâng cao năng lực vận tải đường biển, đường sắt

Để giảm chi phí logistics, theo Bộ GTVT, cần đầu tư hình thành mạng đường bộ cao tốc quốc gia, đường chuyên dùng bảo đảm kết nối hiệu quả các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế trọng điểm, cửa khẩu chính, đầu mối giao thông quan trọng với các cảng biển, ga đường sắt, cảng thủy nội địa.

Đối với ngành đường sắt cần xây dựng các ga đầu mối hàng hóa, nâng cấp trang thiết bị xếp dỡ hiện đại cho các ga đầu mối vận chuyển hàng hóa như Yên Viên, Đông Anh, Sóng Thần… Mời gọi các nhà đầu tư cùng hợp tác đầu tư nâng cấp kho, bãi hàng đủ tiêu chuẩn để cung cấp dịch vụ dùng chung cho tất cả doanh nghiệp vận tải và khách hàng.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển vận tải container trên các tuyến đường thủy nội địa thông qua việc nâng cấp, đầu tư trang thiết bị bốc xếp container tại các cảng thủy nội địa, phát triển phương tiện vận tải chuyên dụng.

Với lĩnh vực hàng hải, Bộ GTVT cho rằng cần nghiên cứu, hình thành, phát triển các kết nối cảng biển, hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển với đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa…

“Ngành hàng không thì đẩy mạnh phát triển dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường hàng không và hình thành mạng đường bay chở hàng riêng, khuyến khích các nhà đầu tư phát triển cảng hàng không trung chuyển hàng hóa của khu vực (như tại Chu Lai) và có cơ chế ưu đãi để thu hút các hãng hàng không mở tuyến bay chở hàng đến cảng này…” - ông Nguyễn Văn Công nêu giải pháp.

 

              Xây dựng trung tâm logistics

Theo Bộ GTVT cần xây dựng các trung tâm logistics hàng không gắn liền với các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, các khu dịch vụ logistics sau cảng tại các cảng cửa ngõ quốc tế Vũng Tàu (Cái Mép-Thị Vải) và Hải Phòng (Lạch Huyện); cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới các ga đường sắt đầu mối hàng hóa tại Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Đà Nẵng...; triển khai đầu tư xây dựng cảng container Phù Đổng nhằm phát triển vận tải container đường thủy nội địa từ cảng Hải Phòng về các địa phương khu vực phía Bắc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm