Hàng ngàn sếp du lịch đã… cắp sách đến trường!

Bộ VH-TT&DL đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 06/2017 ban hành ngày 15-12-2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch 2017.

Điều đáng chú ý của dự thảo là bổ sung chuyên ngành lữ hành thể hiện trên bằng tốt nghiệp một trong các ngành: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị lữ hành; Điều hành tour du lịch; Quản trị du lịch MICE; Marketing du lịch; Du lịch; Du lịch lữ hành; Quản lý và kinh doanh du lịch; Đặt giữ chỗ du lịch; Đại lý lữ hành; Hướng dẫn du lịch.

Trường hợp bằng tốt nghiệp chưa thể hiện chuyên ngành quy định thì chỉ cần bổ sung bản sao chứng thực bảng điểm hoặc phụ lục văn bằng hoặc kết quả quá trình học tập để chứng minh chuyên ngành được đào tạo. Có thể nói với việc sửa đổi như trên là hợp lý nhưng có muộn?

Hàng ngàn “sếp” du lịch đã đi học

Một trong những quy định đáng chú ý của Thông tư 06 là người phụ trách kinh doanh các công ty lữ hành nội địa, quốc tế như chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, giám đốc… phải có một trong các bằng quản trị du lịch và lữ hành; quản trị lữ hành; điều hành tour du lịch; marketing du lịch; du lịch; du lịch và lữ hành; quản lí và kinh doanh du lịch. Nếu bằng cấp không thuộc bảy nhóm ngành đó thì lãnh đạo đơn vị phải đi học lớp nghiệp vụ điều hành du lịch…

Dù thực sự còn một số bất cập nhưng ngay sau khi Thông tư 06/2017 có hiệu lực, nhiều công ty lữ hành đã nhanh chóng “chấp hành”. Cụ thể, ThS Đào Văn Chiêu, đại diện Group Việt Nam Travel, cho biết khá nhiều doanh nghiệp lữ hành đã cử đại diện đi học các lớp nghiệp vụ theo quy định.

Ông Trương Đức Hải, Chủ tịch HĐQT công ty du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông cũng cho biết công ty cũng đã cử lãnh đạo đi học lớp nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế... “Ngoài chúng tôi, không ít DN lớn khác cũng đã cử người đi học nên việc lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 06 dù phù hợp thực tế nhưng với những đơn vị như chúng tôi là hơi chậm rồi” - ông Hải nói.

Trưởng phòng lữ hành Sở du lịch TPHCM, ông Nguyễn Việt Anh cho biết, quá trình triển khai Thông tư 06 cho thấy một số bất cập trong điều kiện với người kinh doanh dịch vụ lữ hành và hướng dẫn viên (HDV). Đối với người kinh doanh dịch vụ du lịch, thông tư chỉ quy định bảy chuyên ngành. Vì vậy, các DN lữ hành gặp khó khăn về bằng cấp dẫn đến việc đăng kí cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa còn hạn chế.

Đối với việc cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, Luật du lịch quy định bằng tốt nghiệp phải có thông tin ghi chuyên ngành Hướng dẫn du lịch, không thẩm định bảng điểm của người nộp. Do đó, một số văn bằng tốt nghiệp ngành Du lịch, Quản trị lữ hành, Việt Nam học, Văn hóa học, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành…dù có bảng điểm chuyên ngành học là Hướng dẫn du lịch cũng không được cấp thẻ HDV.

Ở góc độ đào tạo, TS Mai Hà Phương, Trưởng khoa du lịch Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, cho biết, từ khi Thông tư 06 ra đời, đặc biệt là công văn 120 của Tổng cục du lịch về hướng dẫn triển khai Luật Du lịch 2017, trường đã chịu sức ép rất lớn từ sinh viên, thí sinh, cựu sinh viên...

Sự bất cập của Thông tư 06 ảnh hưởng lớn đến các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch trong lĩnh vực lữ hành trình độ đại học do theo quy định trên bằng tốt nghiệp không thể hiện chuyên ngành đào tạo. 

“Trước sức ép đó, cá nhân tôi đã có những ý kiến quyết liệt trong việc đấu tranh giải quyết bất cập trong hướng dẫn xét cấp thẻ HDV cho sinh viên” - TS Phương nói.

Du khách tham quan Dinh Độc lập (TP.HCM). Ảnh: Tú Uyên

Dự thảo chưa bao quát được lĩnh vực lữ hành

Bàn về việc sửa đổi thông tư 06 có còn cần thiết? ThS Đào Văn Chiêu cho rằng về lâu dài, việc thông tư bổ sung lên 11 chuyên ngành, dùng bảng điểm để cấp bằng ngành học là phù hợp thực tế và cả những vấn đề phát sinh (nếu có).

Nhận xét việc sửa đổi thông tư theo hướng như dự thảo đưa ra là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cả đào tạo trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp. Ngoài ra, cũng theo T.S Phương, dự thảo hợp lý, dung hòa được yêu cầu chuyên môn đối với tất cả các trình độ đào tạo hướng dẫn du lịch.

Sửa như vậy sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo HDV du lịch theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầuthời kỳ hội nhập. HDV được đào tạo chuyên sâu chắc chắn tốt hơn HDV học các ngành khác có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch. Bởi hiện nay chỉ tổ chức ôn tập ngắn rồi thi, không tổ chức lớp học bồi dưỡng như trước đây.

Tuy nhiên, theo TS Phương thì việc liệt kê 11 ngành như dự thảo chưa bao quát hết lĩnh vực lữ hành.  Vì hiện nay nhiều trường đang mở chuyên ngành đào tạo du lịch theo cơ chế đặc thù có tên “lạ” ( ví dụ: Quản lý du lịch, Quản trị lữ hành – Hướng dẫn, Thiết kế và điều hành Tour,….), không có tên chuẩn nào được cơ quan quản lý quy định.

Thầy Phương cũng nhấn mạnh nên khẩn trương sửa chữa và đưa thông tư sửa đổi vào thực thi ngay vì doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở đào tạo đã bị ảnh hưởng rất nhiều từ những bất cập cũ.

Về góc độ quản lý nhà nước, ông Việt Anh nhận xét dự thảo Thông tư 06 khắc phục được một số hạn chế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN và hướng dẫn viên du lịch trong cấp phép kinh doanh lữ hành, cấp thẻ HDV, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý. 

Hướng dẫn viên đón du khách đến bằng siêu du thuyền Spectrum of the seas (Đức). Ảnh: Tú Uyên

 

TP.HCM khảo sát thống kê điều kiện người điều hành DN lữ hành

Theo ông Việt Anh, để đảm bảo cho việc triển khai cấp phép kinh doanh lữ hành nội địa, Sở đã phối hợp với UBND quận, huyện khảo sát thống kê về điều kiện người điều hành DN lữ hành của các DN chưa thực hiện đăng kys giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa.

 Với các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện đó thì yêu cầu nhanh chóng nộp hồ sơ đăng kí cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa. Đồng thời, Sở cũng cung cấp danh sách các cơ sở đào tạo du lịch được phép tổ chức bồi dưỡng thi cấp chứng chỉ người điều hành DN lữ hành để DN sắp xếp thi lấy chứng chỉ bổ sung bằng cấp đúng quy định, hoàn tất hồ sơ đăng kí giấy phép kinh doanh nội địa.

 

TP.HCM khảo sát thống kê điều kiện người điều hành DN lữ hành

Theo ông Việt Anh, để đảm bảo cho việc triển khai cấp phép kinh doanh lữ hành nội địa, Sở đã phối hợp với UBND quận, huyện khảo sát thống kê về điều kiện người điều hành DN lữ hành của các DN chưa thực hiện đăng kys giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa.

 Với các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện đó thì yêu cầu nhanh chóng nộp hồ sơ đăng kí cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa. Đồng thời, Sở cũng cung cấp danh sách các cơ sở đào tạo du lịch được phép tổ chức bồi dưỡng thi cấp chứng chỉ người điều hành DN lữ hành để DN sắp xếp thi lấy chứng chỉ bổ sung bằng cấp đúng quy định, hoàn tất hồ sơ đăng kí giấy phép kinh doanh nội địa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm