Hậu Giang: Một KSV có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ

Thành ủy TP Vị Thanh vừa có quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với bà Phạm Thị Thu Tùng, kiểm sát viên (KSV) thuộc VKSND TP Vị Thanh (Hậu Giang). Theo Thành ủy Vị Thanh, bà Tùng có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án, báo cáo một số nội dung không đúng tính chất vụ việc, đề xuất biện pháp xác minh không đầy đủ, không khách quan, không đảm bảo đúng quy định của ngành kiểm sát… làm ảnh hưởng uy tín của ngành, gây dư luận không tốt.

Giảm khung hình phạt tùy hứng

Theo hồ sơ, chiều 9-12-2010, Công an TP Vị Thanh bắt quả tang Thái Vĩnh Tân dừng xe trước một khách sạn ở TP Vị Thanh để bán ma túy tổng hợp cho Trần Trọng Hiếu.

Trong quá trình điều tra, công an bắt tiếp tám bị can khác để điều tra tội mua bán trái phép chất ma túy. Công an cũng thu giữ nhiều vật chứng liên quan đến vụ án, trong đó có hơn 11 lượng vàng trắng và SJC trong nhà của bị can Nguyễn Thị Hiền (sau này xác định là bị can chính trong vụ án).

Trong vụ án này, KSV Phạm Thị Thu Tùng được VKSND TP Vị Thanh phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án. Sau gần một năm điều tra, ngày 28-10-2011, VKSND TP Vị Thanh có cáo trạng truy tố 10 bị can trong vụ án theo điểm b khoản 2 Điều 194 (có khung hình phạt 7-15 năm tù) vì các bị cáo phạm tội nhiều lần. Cáo trạng này do KSV Tùng đề xuất.

Hậu Giang: Một KSV có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ ảnh 1

Sau khi chuyển hồ sơ sang tòa, ngày 9-1-2012, tòa án TP Vị Thanh đã trả hồ sơ, yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung, KSV Tùng không chuyển cho cơ quan điều tra mà giữ lại để ra lại cáo trạng. Tuy nhiên, trong cáo trạng lần này (cáo trạng 34a, ngày 19-1-2012), VKS TP Vị Thanh đã rút khoản truy tố từ khoản 2 xuống khoản 1 (khung hình phạt 2-7 năm tù) cho bốn bị can cũng theo đề xuất của KSV Tùng!

Trong kết luận vụ việc, cơ quan chức năng cho rằng KSV biết rõ các bị can vi phạm khoản 2 Điều 194 nhưng lại đề xuất truy tố theo khoản 1 của điều luật, cũng do KSV này đã đề nghị, làm cho tính chất vụ việc và mức độ vi phạm của các bị can nhẹ hơn. Đây là cố ý làm trái quy định của pháp luật.

Trả tang vật, cho tại ngoại sai

Chưa hết, ngày 9-1-2012, TAND TP Vị Thanh trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì ngày hôm sau KSV Tùng đã đề xuất cho bảo lĩnh tại ngoại đối với ba bị can. Một ngày sau sau khi VKS ra cáo trạng lần hai (cáo trạng 34a), KSV Tùng cũng “tranh thủ” đề xuất cho bị can Nguyễn Thị Hiền được bảo lĩnh tại ngoại. Trong khi Hiền là bị can chính trong vụ án và sau khi tại ngoại, Hiền bỏ trốn.

Ngoài việc đề xuất hạ khung hình phạt cho các bị can tùy hứng, đề xuất cho gia đình bảo lĩnh các bị can bất thường, kiểm sát viên Tùng còn “bùa phép” trả vàng tang vật cho gia đình bị can Hiền sai.

Cụ thể, theo tài liệu của chúng tôi thu thập được, sau VKS ra cáo trạng truy tố 10 bị can (lần đầu) thì ngày 13-10-2011, KSV Tùng đã “tìm cách” trả vàng tang vật cho gia đình bị can Hiền bằng cách dựng biên bản lấy lời khai của người nhà bị can Hiền để chứng tỏ số vàng trên không liên quan đến vụ án rồi đề xuất trả số vàng trên cho người nhà bị can Hiền. Về việc này, cơ quan chức năng cho rằng KSV Tùng tự dựng biên bản lấy lời khai, giả mạo chữ ký của nhân chứng để đề xuất trả lại tang vật cho gia đình bị can Hiền là có dấu hiệu của tội làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Ngoài các sai phạm trên, cơ quan chức năng còn tiếp nhận thông tin về việc KSV Tùng nhận 55 triệu đồng để nhờ đề xuất cho bảo lĩnh, hạ khung hình phạt. Tuy nhiên, thông tin này cơ quan chức năng kết luận là lời khai một phía, KSV Tùng cũng không thừa nhận chuyện này nên cơ quan chức năng không đủ cơ sở để kết luận.

Được biết bà Tùng vào ngành kiểm sát từ năm 1996 và được bổ nhiệm KSV từ năm 2005 đến nay. Với bề dày kinh nghiệm như thế nên dư luận có quyền đặt câu hỏi: Liệu bà có vô tình mắc các sai phạm gần như căn bản của luật tố tụng hình sự? Chưa hết, vì sao lãnh đạo VKSND TP Vị Thanh lại dễ dãi trong việc phê duyệt, ký các quyết định theo đề xuất của bà Tùng như thế. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Các bị cáo đều bị phạt theo khoản 2 Điều 194

Ngày 14-8-2012, TAND TP Vị Thanh đã phạt 10 bị cáo trong vụ án từ năm đến 12 năm tù theo khoản 2 Điều 194 (điều này trái ngược với đề xuất của KSV Tùng - PV).

Bản án cũng cho rằng vật chứng là vàng được xử lý trả lại trước khi xét xử là không đúng quy định, làm ảnh hưởng đến việc xét xử cũng như thi hành án sau này. Theo tòa, qua điều tra xác định được phần vàng trả lại thuộc sở hữu của bị cáo Hiền chứ không phải của cá nhân khác bị bị cáo Hiền chiếm đoạt nên không thuộc trường hợp được xử lý trả lại trước khi xét xử…

GIA TUỆ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm