Hi hữu: Bị ngưng tim đến 2 lần được cứu sống nhờ sơ cấp cứu ban đầu

(PLO)- Đội ngũ y tế cơ quan của công ty thuốc lá và y tế chuyên sâu của Bệnh viện Thống Nhất phối hợp cấp cứu bệnh nhân nhồi máu cơ tim ngoạn mục trong vòng 60 phút.

Chiều 21-11, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) tổ chức buổi chia sẻ thông tin về ca bệnh nhồi máu cơ tim được cứu sống nhờ sơ cấp cứu ban đầu tốt và phối hợp chuyển bệnh kịp thời.

60 phút ngoạn mục cấp cứu bệnh nhân

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Đức Tới, Phó trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Thống Nhất) cho biết bệnh nhân là NTS (51 tuổi, nam, ngụ huyện Bình Chánh), là công nhân nhà máy thuốc lá tại Bình Chánh.

Khi đang làm việc, anh S đột ngột ngất xỉu, có dấu hiệu ngưng tim. Nhân viên y tế của trạm y tế nhà máy lập tức khởi động quy trình hồi sinh tim phổi cơ bản, đồng thời gọi điện đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Thống Nhất để chuẩn bị quy trình nhận bệnh.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân, Trưởng Khoa Tim mạch cấp cứu - can thiệp, thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Khi tổ cấp cứu của nhà máy tiếp nhận, anh S đã ngưng tim nặng, được ấn tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo. 20 phút sau, bệnh nhân được đưa lên xe cấp cứu tới bệnh viện. Trên xe, ê-kíp cũng ấn tim liên tục, thiết lập đường truyền tĩnh mạch, 20 phút sau thì tới được bệnh viện” - đại diện nhân viên y tế công ty thuốc lá ở Bình Chánh chia sẻ.

Khoa Cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng loạn nhịp thất, rung thất, chuyển phòng Cấp cứu sốc điện liên tục, hồi sinh tim phổi nâng cao, phục hồi tuần hoàn. Bác sĩ đo điện tim chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, lập tức chuyển lên khoa Tim mạch sau 20 phút cấp cứu chuyên sâu.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Tim mạch cấp cứu - can thiệp (Bệnh viện Thống Nhất), cho biết kết quả chụp mạch vành phát hiện bệnh nhân bị tắc mạch vành rất nặng, tắc gần như mạch vành chính, hai nhánh còn lại tổn thương rất nặng.

Ê-kíp tiến hành can thiệp mở thông tổn thương tắc, 5 phút sau ngưng thuốc vận mạch để huyết áp phục hồi. Bệnh nhân được đặt 2 stent mạch vành (thủ thuật điều trị các bệnh mạch vành, xử trí trường hợp nhồi máu cơ tim cấp).

Ca thông tim diễn ra thành công, bệnh nhân được hồi sức một ngày, qua hôm sau được rút ống thở. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, ăn uống được, tỉnh, tiếp xúc tốt, dự kiến sẽ sớm xuất viện.

Khoa Tim mạch cấp cứu - can thiệp, nơi điều trị bệnh nhân nhồi máu cơ tim. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Trạm y tế của công ty thuốc lá gồm 11 người (2 bác sĩ, 1 điều dưỡng, 1 dược sĩ và 7 y sĩ). Trạm phân công mỗi ca 2 người trực cấp cứu 24/7, có hệ thống bảo đảm an toàn sức khỏe cho công nhân. Khi xảy ra sự cố, đồng nghiệp sẽ tiếp cận và báo cho trạm để cử nhân viên y tế đến xử lý cấp cứu theo quy trình.

Cấp cứu ban đầu rất quan trọng

Theo bác sĩ Tân, đây là trường hợp hi hữu được cứu sống vì bệnh nhân ngừng tim đến hai lần. Bệnh nhân may mắn được ê-kíp cấp cứu của nhà máy hồi sinh tim phổi rất tốt, chuyển ngay đến bệnh viện tuyến trên để cấp cứu chuyên sâu kịp thời.

“Ngưng tim ngoài bệnh viện hầu hết đều tử vong, vì nếu nhồi máu cơ tim 4 phút đã chết não, khó cứu sống. Ca này nhờ sự phối hợp kịp thời giữa cấp cứu ban đầu ở doanh nghiệp và chuyển lên tuyến trên cấp cứu chuyên sâu tim mạch nên kì tích đã xảy ra. Cũng nhờ được hồi sức rất tốt và chuyển viện kịp thời nên ca này chưa cần sử dụng biện pháp hỗ trợ cơ học như ECMO” - bác sĩ Tân chia sẻ.

Theo bác sĩ Tân, môi trường làm việc cũng là một trong những yếu tố nguy cơ cho người có bệnh lý tim mạch. Bệnh nhân này là công nhân nhà máy thuốc lá, ít nhiều có tiếp xúc với chất của thuốc lá. Ngoài ra theo khai thác, bệnh nhân hút thuốc lá rất nhiều, là yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch xơ vữa nói chung và nhồi máu cơ tim nói riêng.

Siêu âm tim thấy buồng tim bệnh nhân giãn rất to chứng tỏ có bệnh lý tim mạch từ trước. Chụp ba nhánh mạch vành thấy có hẹp mạch vành từ lâu, nay tắc luôn nhánh chính. Vì vậy dù đã được cứu sống, bệnh nhân này cũng cần kiểm soát chặt các yếu tố nguy cơ và cần ngưng thuốc lá.

Sau biến cố ngừng tim, ngừng thở, tùy thuộc vào hậu quả để lại mà bệnh nhân có thể có những di chứng. Bệnh nhân kể trên nhờ cứu được não nên tránh nguy cơ tổn thương đa tạng. Bệnh nhân vẫn cần đánh giá toàn diện sau hồi phục để kiểm tra di chứng tổn thương, từ đó có hướng điều trị tiếp theo.

PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, chia sẻ về ca bệnh nhồi máu cơ tim. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Qua ca này cho thấy sơ cấp cứu ban đầu rất quan trọng. Cần nâng cao hiểu biết về hồi sinh tim phổi ban đầu, đào tạo từ các tuyến y tế cơ sở, làm sao mỗi người dân biết cách cấp cứu ban đầu cho người thân khi không may ngừng tim tại nhà.

Cần biết cách nhồi tim để giữ được nhịp tim, hô hấp nhân tạo để giữ nhịp thở, đồng thời báo động cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cấp cứu, khi bệnh nhân có tuần hoàn sẽ chuyển tuyến chuyên sâu. Nếu tuyến y tế ban đầu (ngay tại doanh nghiệp) không cấp cứu tốt thì lên tuyến chuyên sâu cũng khó cứu được” - bác sĩ trưởng khoa nhận định.

Cần trang bị đội ngũ y tế tại doanh nghiệp

Tình trạng đột tử ngoài bệnh viện rất nhiều nhưng tỉ lệ cấp cứu thành công không cao vì không được sơ cứu bài bản, chuyển đến bệnh viện ở giai đoạn muộn. Bệnh nhân trên là một trong những trường hợp điển hình của sơ cấp cứu ban đầu tốt, được bệnh viện tuyến trên tiếp nhận rất nhanh, thiết lập báo động đỏ xử trí kịp thời.

Y tế cơ quan của công ty thuốc lá nêu trên nhiều năm nay đã được ê-kíp của Bệnh viện Thống Nhất hỗ trợ đào tạo liên tục về sơ cấp cứu, cách nhận định tình trạng bệnh nhân để xử trí đúng hướng, kịp thời. Bệnh viện cũng có kí kết đào tạo huấn luyện cấp cứu ban đầu cho nhiều đơn vị, hỗ trợ huấn luyện nhiều nơi về kỹ năng cấp cứu từ cơ bản đến nâng cao.

Các nhà máy có nhiều công nhân, cách xa cơ sở y tế, cần trang bị đội ngũ nhân viên y tế cấp cứu. Các nhân viên này được huấn luyện kiến thức cơ bản để xử lý tình huống cấp cứu kịp thời cho công nhân không may bị các sự cố tương tự.

PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới