Học phí đại học: Cần một sự thấu hiểu!

(PLO)- Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, biết bao phụ huynh, sinh viên (SV) bày tỏ vui mừng vì những tâm tư đã được lắng nghe kịp thời giữa tâm bão thông tin về “tăng học phí”
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Để có tiền cho cậu con trai vừa đậu vào hệ chuẩn một trường ĐH ở TP.HCM vừa thực hiện tự chủ, một người mẹ phải đi vay của bạn bè khoản tiền hơn 11 triệu đồng cho con đóng học phí học kỳ I. Những năm học trước, mức học phí tầm 6-7 triệu đồng/học kỳ.

Ngày 20-12-2022 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023.

Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, biết bao phụ huynh, sinh viên (SV) bày tỏ vui mừng vì những tâm tư đã được lắng nghe kịp thời giữa tâm bão thông tin về “tăng học phí” dồn dập ở các cấp học thời gian qua, khi kinh tế nhiều gia đình còn ngổn ngang sau dịch bệnh. Một quyết sách nhân văn, sẻ chia với người học trong bối cảnh phục hồi kinh tế hiện nay. Có sinh viên còn thốt lên: “Năm nay yên tâm về quê ăn tết!”... Còn một người mẹ có con đang học ĐH khấp khởi mừng thầm, có thể được hoàn lại học phí hay cấn trừ sang học kỳ 2, cũng đỡ được phần nào!

Trước đó, nhiều trường ĐH đã lần lượt công bố mức học phí mới theo chiều hướng năm sau tăng hơn năm trước. Có những trường chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, mức thu mới thậm chí còn cao gấp nhiều lần mức cũ. Học phí 30, 40 triệu đồng, thậm chí 60-80 triệu đồng/năm học là bình thường ở nhiều trường tự chủ.

Mặc dù theo lý giải của các cơ quan, nhà quản lý giáo dục, mức tăng này là đúng lộ trình theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ, là cần thiết để tăng chất lượng giáo dục, đào tạo nhưng với các mức học phí này, để theo học được ĐH không phải là dễ dàng với đa số người dân khắp mọi miền. Đành rằng các trường đều có những chính sách miễn, giảm, học bổng nhưng số SV có cơ hội nhận được cũng chỉ chiếm con số rất ít.

Thế nhưng khi Nghị quyết 165 ra đời, không phải trường nào cũng nhanh chóng có phương án thực hiện cụ thể. Biết bao SV vẫn thấp thỏm đợi chờ.

Trong khi đó, dù chưa có nghị quyết chính thức, một số trường đã kịp thời chủ động không tăng học phí, hay hoàn trả học phí đã thu cao hơn mức cũ. Cụ thể, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM ngay từ đầu năm học đã có quyết định không tăng học phí. Những SV đã đóng học phí theo mức mới, trường sẽ thực hiện cấn trừ vào đợt đóng học phí tiếp theo. Theo lý giải của trường, qua tìm hiểu, sau hai năm dịch COVID-19, mức thu nhập bình quân của gia đình phụ huynh, SV có sự sụt giảm so với trước đây. Trường ĐH Tài chính - Marketing cũng không tăng học phí ba năm nay. Rồi Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cũng đã sớm thông báo hoàn trả học phí cho SV đã đóng theo mức thu mới…

Điều đó cho thấy việc thực hiện không tăng học phí không chỉ nằm ở việc có chủ trương, nghị quyết hay không mà nằm ở sự thấu hiểu, muốn đồng lòng chia sẻ khó khăn thực sự với người học, với phụ huynh.

Như Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trong một buổi lễ trao học bổng cho thủ khoa có hoàn cảnh khó khăn vừa qua đã nhấn mạnh: “Một nền giáo dục ĐH chất lượng không chỉ thể hiện ở việc số trường ĐH được xếp hạng quốc tế mà còn thể hiện qua chỉ số tiếp cận ĐH rộng mở đối với tất cả người có nguyện vọng”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm