Học và hành

Lần này Arsenal đến Việt Nam không chỉ mang hình ảnh cùng những đôi chân pháo thủ trên sân cỏ mà là cả một quá trình hơn 50 tiếng họ sống và hòa mình với các CĐV Việt Nam. Một kiểu tiếp thị và phát triển thương hiệu rất hay, rất chân tình với các hoạt động xã hội cùng các em bé, các CĐV hay các em ở trường khiếm thị… Đi đâu họ cũng để lại ấn tượng rất đậm bằng thái độ ứng xử rất thân thiện và cởi mở.

Chỉ hơn hai ngày lưu lại Việt Nam của Arsenal, nhiều người đã rút ra được bài học lớn cho bóng đá Việt Nam đó là phải biết quý trọng thương hiệu và cái tên của mình qua sự gắn bó và gần gũi với người hâm mộ mà không cần phải thực hiện những điều cao siêu. Điều này rất thiếu ở bóng đá Việt Nam từ cấp CLB đến đội tuyển dù luôn được người hâm mộ ủng hộ và quan tâm. Tuy nhiên, cái cách tôn trọng người hâm mộ, để hòa mình với người hâm mộ và cũng là để nâng cao giá trị thương hiệu của mình thì rõ ràng bóng đá Việt Nam vẫn còn bỏ ngỏ.

Thời ông Calisto, ông hay chủ động thực hiện những cuộc đi thăm hỏi và tặng quà cho các em bé bị ung thư để các em hạnh phúc sờ lên chiếc cúp vàng AFF 2008 hoặc mời hẳn những em bé, những nhà sư yêu quý đội tuyển gặp gỡ ngay tại sân Mỹ Đình để giao lưu. Giờ thì chẳng ai còn năng động với những hình ảnh sinh hoạt cộng đồng và hơn hết là dạy các cầu thủ phải nghĩ đến những người khó khăn, thiếu may mắn từ những việc làm chân thành.

Còn với các CLB thì không ai dạy cầu thủ phải biết quý cái tên đội bóng bởi luật của ta cứ thả rông cho phép họ thay tên đổi họ, còn cầu thủ thì cứ bị các ông chủ “giật” và “câu” bằng tiền tươi với những khoản lót tay phi luật.

Vẫn biết rằng mục đích tour châu Á của Arsenal vẫn là kiếm tiền và tiếp thị hình ảnh nhưng rõ ràng điều học được ở họ chính là sự dung dị cần thiết giữa bóng đá và cộng đồng, trong đó có cả tính nhân văn.

NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm