Hồi sinh đường 'rừng chung cư' khu Nam TP.HCM

Dự án ngâm hàng chục năm được tái khởi động, hàng loạt dự án mới đang rục rịch triển khai cùng hạ tầng dần hoàn thiện khiến con đường “rừng chung cư” Nguyễn Hữu Thọ, nối từ quận 7 về huyện Nhà Bè (TP.HCM), có sức sống mới.

Tín hiệu từ hàng loạt dự án triển khai

Mới đây, thông tin dự án Kenton Node với vị trí đắc địa là mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ sắp được hồi sinh thu hút sự chú ý của giới kinh doanh bất động sản (BĐS) TP.HCM. Đường Nguyễn Hữu Thọ là một trong những tuyến huyết mạch của khu Nam Sài Gòn.

Dự án tọa lạc tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè do Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên làm chủ đầu tư. Sau 13 năm xây dựng dở dang, mới đây dự án này được khởi động lại với cái bắt tay của Tập đoàn Novaland và chủ đầu tư cũ, đồng thời đổi tên thành Grand Sentosa. Novaland cam kết đưa dự án vào vận hành đúng tiến độ dự kiến trong năm 2024.

Trước đó, Công ty TNHH Keppel Land đã thông qua công ty con là Monestine, ký kết thỏa thuận với Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long để mua lại 60% cổ phần trong ba lô đất có tổng diện tích 6,2 ha, giá trị chuyển nhượng 1.304 tỉ đồng để phát triển dự án trên đường Nguyễn Hữu Thọ.

Dự án được phát triển là Celesta Rise được quy hoạch trên tổng diện tích đất 6,2 ha gồm năm block nhà cao 21 tầng, tổng cộng 2.400 căn hộ và các căn hộ thương mại.

Trên cung đường này còn có hàng chục dự án xen kẽ nhau, kéo dài từ phía quận 7 qua nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ về phía cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Nhiều dự án đang thi công và cũng nhiều dự án đang rục rịch triển khai.

Đơn cử dự án Zeitgeist rộng 350 ha của Tập đoàn GS E&C (Hàn Quốc) với 770 biệt thự, 16.720 căn hộ trung bình và cao cấp, hơn 2.600 căn trong các tòa nhà hỗn hợp. Đây được xem là một trong những khu đô thị lớn nhất phía Nam Sài Gòn sau khi được triển khai. Cuối đường Nguyễn Hữu Thọ có khu đô thị cảng Hiệp Phước với quy mô gần 200.000 dân, thi công ba giai đoạn.

Tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ với rất nhiều dự án bất động sản đua nhau mọc lên. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Cung đường nhiều tiềm năng

Từ nhiều năm trước, con đường Nguyễn Hữu Thọ được phân chia làm hai thái cực. Nếu như đoạn đầu từ cầu Kênh Tẻ tới đường Nguyễn Văn Linh với hàng loạt “đại gia” nhảy vào phát triển dự án một cách nhộn nhịp, thuận lợi thì đoạn đường Nguyễn Hữu Thọ phía huyện Nhà Bè cũng có nhiều dự án nhưng lại có khung cảnh đìu hiu. Một phần lý do của hiện tượng này là do hạ tầng giao thông chưa phát triển tương xứng.

“Nếu di chuyển trên đường Nguyễn Hữu Thọ, thực tế chỉ 6,6 km là đến chợ Bến Thành, 20-25 phút di chuyển bằng ô tô khi đường thông thoáng. Khu vực này là một lựa chọn tốt cho những ai làm việc tại các quận 1, 3, 7 và cũng dễ dàng đi về các tỉnh miền Đông và Tây” - ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) - một đơn vị phát triển và phân phối BĐS đánh giá.

Theo ông Việt, hiện nay thị trường rất cần tái khởi động các dự án gần trung tâm nội thành với giá bán thực tế, phù hợp tài chính của người có nhu cầu an cư ở các phân khúc. Trong đó, lớp người trung lưu đã có nhà vẫn có nhu cầu nâng cấp không gian sống.

“Giá bán 45-55 triệu đồng/m2 là hấp dẫn nếu vị trí cách trung tâm quận 1 dưới 10 km. Khu vực huyện Nhà Bè giáp quận 7 còn nhiều tiềm năng phát triển và hiện có khá nhiều dự án căn hộ tầm trung, tạo ra cảnh quan hiện đại, giống một góc Singapore thu nhỏ nếu được đầu tư hạ tầng, cảnh quan tốt” - ông Việt phân tích.

Còn theo chuyên gia pháp lý Nguyễn Tấn Đạt - Giám đốc Công ty Tư vấn NTD LAW Việt Nam, M&A (mua bán - sáp nhập) như thương vụ Kenton Node sẽ giúp cho nguồn cung và thanh khoản được gia tăng, góp phần tạo thêm sự sôi động cho thị trường.

Về phía khách hàng, ông Đạt lưu ý khi dự án đã chuyển nhượng cho bên chủ đầu tư mới, khách hàng cần phải tìm hiểu thông tin về chủ đầu tư mới để nắm bắt các thông tin về pháp lý công ty, tiến độ triển khai dự án. Từ đó người mua có thể chủ động trong thực hiện hợp đồng với chủ đầu tư mới.

Đòn bẩy hạ tầng tháo nút thắt

Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư dự án hầm chui) cho biết đang đẩy nhanh tiến độ thi công hầm chui Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh.

Dự kiến đến ngày 2-9 chuyển qua thi công nhánh hầm chui 1 và lên phương án điều chỉnh giao thông để đảm bảo giao thông thông suốt. Dự kiến sẽ thông xe hầm chui 2 vào năm 2023.

Với việc hầm chui được hoàn thành, hy vọng con đường huyết mạch khu Nam - Nguyễn Hữu Thọ nối khu trung tâm qua cầu Kênh Tẻ, qua quận 7 về huyện Nhà Bè xuống cảng Hiệp Phước sẽ thông thoáng hơn. Lâu nay ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ luôn đông nghẹt xe do dòng xe tải từ đường Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Hữu Thọ đan xen nhau. Từ đó tạo điều kiện cho BĐS khu vực hưởng lợi.

Một dự án khác được kỳ vọng sẽ kéo hạ tầng khu Nam lên là cầu Nguyễn Khoái. Đây là cây cầu bắc qua Kênh Tẻ, nối quận 1, quận 4 và quận 7. Dự án có tổng chiều dài 1.000 m, bắt đầu từ đường D1, khu dân cư Him Lam (quận 7, kết nối với đường Nguyễn Hữu Thọ) và điểm cuối là đường Bến Vân Đồn (quận 4). Tổng vốn đầu tư dự án này dự kiến là 1.250 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm