Hồi ức của nguyên bộ trưởng Tư pháp về ông Võ Chí Công: Cụ ít nói nhưng quyết đoán lắm!

Thời ấy tổ chức bộ máy theo mô hình nhà nước của Hiến pháp 1980, Hội đồng Nhà nước (HĐNN) là thiết chế Chủ tịch nước tập thể, đồng thời là cơ quan Thường trực của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ là phó chủ tịch HĐNN. Mọi dự luật trình sang Quốc hội đều phải qua cửa này.

Khi cụ Võ Chí Công điều hành phiên họp HĐNN thì bên tay trái cụ là luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Phó Chủ tịch HĐNN. Tôi thường ngồi sau cụ, ghi chép các vấn đề pháp luật mà HĐNN thảo luận và chuẩn bị nội dung kết luận của chủ tịch. Ban đầu, những ghi chép, chuẩn bị ấy được chuyển qua ông Nguyễn Việt Dũng - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội duyệt trước. Sau thời gian ngắn, chắc được tin tưởng rồi thì tôi chuyển thẳng cho chủ tịch.

Cụ Võ Chí Công là người ít nói nhưng quyết đoán. Trong các phiên họp HĐNN cũng vậy, ở cương vị chủ tịch điều hành, cụ chủ yếu lắng nghe. Cụ không phải là nhà tư tưởng, không phải chuyên gia pháp luật nhưng bắt rất nhanh những ý kiến tiến bộ, thúc đẩy đổi mới và quyết đoán lựa chọn ngay. Cụ tạo thành bộ ba thúc đẩy công cuộc đổi mới trong giai đoạn đầu tiên sau Đại hội VI: Võ Chí Công với Võ Văn Kiệt - lúc ấy là phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Đứng đầu cơ quan Thường trực của Quốc hội, cụ thúc đẩy thông qua nhiều đạo luật - những viên gạch đầu tiên của nền kinh tế có tính chất thị trường - do phía ông Võ Văn Kiệt đề xuất sang.

Hồi ức của nguyên bộ trưởng Tư pháp về ông Võ Chí Công: Cụ ít nói nhưng quyết đoán lắm! ảnh 1

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (bìa phải)và các đại biểu tổ Hà Nội - Quảng Nam - Đà Nẵng làm việc tại tổ tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII, ngày 22-6-1989. Ảnh: TTXVN

Chính trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII ấy, dưới sự điều hành của HĐNN, Quốc hội đã thông qua Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân… Đây là những đạo luật về kinh tế mà nội dung vượt qua cả Hiến pháp 1980 của thời kỳ tập trung quan liêu, bao cấp, chưa được sửa đổi, đang có hiệu lực. Và đấy cũng là khóa đầu tiên và cuối cùng của thời bao cấp, thông qua nhiều luật nhất. Khóa ấy bắt đầu nói đến “pháp quyền” và nhấn mạnh quản lý nhà nước và xã hội bằng pháp luật.

Tôi với cụ Võ Chí Công chỉ có quan hệ công việc, thời gian không nhiều, khoảng ba năm. Nhưng có một tình cảm rất riêng mà có lẽ chưa bao giờ tôi nói với cụ. Tôi thuộc lớp đầu tiên đi học luật ở Liên Xô, vào đúng thời “xét lại”. Tính tình ngang, lại chẳng khéo léo. Thế nên khi Bộ Chính trị cân nhắc đưa từ phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội sang làm bộ trưởng Tư pháp, ý kiến phân tán lắm. Thế mà chẳng biết sao đến năm 1992 vẫn thành bộ trưởng. Mãi sau này tôi nghe ông Nguyễn Đức Bình, thời ấy cũng ngồi trong Bộ Chính trị, bảo rằng tôi được cụ Võ Chí Công bảo vệ lắm đấy...

NGUYỄN ĐÌNH LỘC, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp

NGHĨA NHÂN ghi

Để tưởng nhớ công lao của ông Võ Chí Công, Đảng và Nhà nước đã quyết định tổ chức tang lễ của ông theo nghi thức Quốc tang.

Lễ viếng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM, bắt đầu từ 8 giờ đến 18 giờ các ngày 10 và 11-9. Lễ truy điệu được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM, bắt đầu từ 6 giờ đến 7 giờ ngày 12-9. Lễ an táng cùng ngày tại Nghĩa trang TP.HCM. Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp lễ truy điệu và lễ an táng. Cùng thời gian tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu tại TP.HCM sẽ tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu ông Võ Chí Công tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội) và tại trụ sở Tỉnh ủy Quảng Nam.

Trong hai ngày tang lễ (10 và 11-9), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rũ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm