Hôm nay, xử cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Hôm nay (18-1), TAND TP Hà Nội mở lại phiên xử cựu bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng chín bị cáo trong vụ án liên quan đến sai phạm tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM). 
Phớt lờ chỉ đạo của Chính phủ
Trước đó, phiên tòa từng phải hoãn do nhiều bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt, trong đó có cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín.
Năm 2006, thực hiện việc sắp xếp, xử lý nhà, đất công sản, Bộ Công Thương đề nghị để Sabeco giữ lại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng với mục đích thực hiện dự án xây dựng khách sạn sáu sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê (gọi tắt là dự án). Một năm sau, Sabeco cùng hai công ty cổ phần thành lập liên doanh Sabeco Land để thực hiện dự án. 
Năm 2011, UBND TP phê duyệt giá trị quyền sử dụng khu đất là hơn 1.200 tỉ đồng. Do số tiền quá lớn, Sabeco không thể nộp đúng hạn, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị UBND TP gia hạn thời hạn nộp tiền cho Sabeco.
Thời gian này, Chính phủ ban hành hai nghị quyết 94/2011 và 26/2012, nhấn mạnh tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, yêu cầu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tập trung vốn đầu tư các ngành kinh doanh chính, không đầu tư ngoài ngành, nhất là bất động sản, tài chính, chứng khoán… 
Tuy nhiên, ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa (cựu thứ trưởng Bộ Công Thương) và ông Phan Chí Dũng (cựu vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) không thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ mà tiếp tục yêu cầu Sabeco đầu tư vào bất động sản, không phải ngành nghề kinh doanh chính. 
Năm 2013, do các nhà đầu tư không đủ năng lực, liên doanh Sabeco Land giải thể. Để thay thế, Sabeco hợp tác với ba công ty (Attland, Hà An và Mê Linh) thành lập liên doanh mới mang tên Sabeco Pearl.
Tiếp đó, xuất phát từ đề nghị của Sabeco, ông Nguyễn Hữu Tín (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM) cùng các cán bộ thuộc UBND TP.HCM phê duyệt giá trị quyền sử dụng, cho thuê và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng cho Sabeco Pearl.
Cơ quan công tố xác định việc cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, được nộp tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính và thuê khu đất trên không đúng đối tượng, không qua đấu giá là trái quy định của pháp luật.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng (trái) trong phiên tòa ngày 7-1. Ảnh: TP

Gây thiệt hại hơn 2.700 tỉ đồng

Đáng chú ý, năm 2015 Sabeco Pearl có đề nghị và được UBND TP.HCM chấp thuận điều chỉnh quy hoạch dự án với nội dung bổ sung thêm chức năng officetel và căn hộ ở. Đến năm 2016, sau khi góp vốn và đứng ra thực hiện xong các thủ tục pháp lý, ông Vũ Huy Hoàng không chỉ đạo Sabeco thực hiện dự án như đã được phê duyệt mà lại yêu cầu công ty này thoái toàn bộ vốn góp tại Sabeco Pearl.
Kết quả, phần vốn của Sabeco tại Sabeco Pearl được Công ty Attland (một trong các cổ đông tại Sabeco Pearl) mua lại với số tiền hơn 196 tỉ đồng, trong khi giá trị thực tế theo kết luận định giá là hơn 465 tỉ đồng. 
Tháng 10-2016, Sabeco Pearl đổi tên thành Công ty CP Đầu tư Quảng trường Mê Linh. Lúc này, dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng được chuyển toàn bộ sang các nhà đầu tư là doanh nghiệp tư nhân, giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất thuộc về Công ty Mê Linh. 
“Việc định giá, thoái vốn là thủ đoạn cuối cùng làm mất tài sản nhà nước và là cơ sở để tư nhân chiếm hữu tài sản nhà nước” - VKSND Tối cao nhận định.
Theo định giá, giá trị quyền sử dụng khu đất trên tại thời điểm UBND TP.HCM cho Sabeco Pearl thuê là hơn 1.075 tỉ đồng, tại thời điểm khởi tố vụ án là hơn 3.816 tỉ đồng. Hành vi của cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cùng các đồng phạm tại Bộ Công Thương đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 2.700 tỉ đồng.
VKSND Tối cao nhấn mạnh đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm. Hầu hết các bị cáo là những người giữ vị trí lãnh đạo đầu ngành, cán bộ chủ chốt của Bộ Công Thương và UBND TP.HCM, có trình độ chuyên môn và hiểu biết trong lĩnh vực công tác. 
Vì động cơ khác nhau, các bị cáo đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài; gây thiệt hại, thất thoát đặc biệt lớn cho Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội và suy giảm niềm tin của nhân dân; cần xét xử nghiêm minh để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

 10 người hầu tòa về hai tội danh

Vụ án này, ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa và ông Phan Chí Dũng cùng bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Riêng bà Thoa đang bỏ trốn, cơ quan điều tra đã ra các quyết định tạm đình chỉ điều tra và truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Tám người còn lại bị truy tố về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai, trong đó có các ông Nguyễn Hữu Tín, Lâm Nguyên Khôi (cựu phó giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM), Đào Anh Kiệt (cựu giám đốc Sở TN&MT TP.HCM)…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới