‘Hơn 23.000 người đã mất do đại dịch, có người thân, bạn bè… của tôi’

20 giờ tối nay (19-11), lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch sẽ diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, TP Thủ Đức, các quận, huyện của TP.HCM và đầu cầu Hà Nội.

Trong ngày, nhiều người cũng đã chọn cách tưởng nhớ người đã mất do dịch bệnh trên mạng xã hội. Họ thay đổi hình đại diện, viết lên những dòng cảm xúc chân thành, mong người đã mất về cõi an yên.

“Có những người yêu thương nhất của tôi...”

Trên trang Facebook cá nhân, nghệ sĩ cải lương Bình Tinh đã chia sẻ hình ảnh thông báo thời gian diễn ra lễ tưởng niệm và viết dòng trạng thái: “Trong đây cũng có những người thương yêu nhất của tôi.... Còn nỗi đau nào hơn nữa”.

Đợt dịch này, Bình Tinh đã mất đi mẹ, dì và những người thân yêu khác. Phải rất lâu sau biến cố, nữ nghệ sĩ mới gượng dậy, hướng về tương lai.

Cũng như Bình Tinh, chị Nguyễn Ngọc Trúc cũng xúc động: “Trong số những người xấu số được tưởng niệm tối 19-11, có người thân, bạn bè của tôi. Hôm qua, tôi mới cúng 100 ngày cho bà nội. Tuần sau là đến lễ cúng 100 ngày cho người em họ. Bà cháu mất cách nhau một tuần. Lễ tưởng niệm thực sự rất ý nghĩa với những gia đình có người thân mất do COVID-19 giống như gia đình chúng tôi”.

Nhân ngày lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch, nhiều gia đình làm mâm cơm, thắp nén nhang cho người đã khuất. Ảnh: NGỌC LÀI

Chị Lê Diệu Thu nhận thấy việc tổ chức lễ tưởng niệm vô cùng ý nghĩa. Thông qua buổi lễ này, gia đình của các bệnh nhân đã mất nói riêng, người dân cả nước nói chung có cơ hội cầu nguyện cho người đã khuất về cõi an lành.

“Nhân lễ tưởng niệm lần này, chúng ta nên nghiêm túc chọn một ngày trong năm làm lễ tưởng niệm hàng năm” – anh Trần Văn Hậu bình luận.

Đồng cảm với bình luận của anh Hậu, bạn trẻ Nguyễn Phi Long chia sẻ: “Chính xác! Lễ tưởng niệm sẽ xoa dịu những vong linh ra đi trong cô độc”.

Tưởng niệm mất mát, nhắc nhở tương lai

“Bên cạnh việc tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch, chúng ta phải gửi lời cảm ơn sâu sắc đến lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm giữ vững an toàn cho nhân dân, dốc hết sức cứu chữa bệnh nhân COVID-19. Cảm ơn tất cả!” – chị Vương Ngọc Lan bình luận.

Cùng cảm xúc biết ơn tuyến đầu và tình nguyện viên chống dịch, anh Nguyễn Tú viết trên trang cá nhân: “Trong hàng chục nghìn người ra đi vì COVID-19, có những người tình nguyện chọn ra đi như thế. Đâu đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là sự đồng cảm thấu hiểu và chữ thương, sự tử tế mà họ dành cho đời… Để rồi có lỡ ra đi thì mỉm cười... Hàng chục nghìn người mất, để lại dư âm về chết chóc tang thương… nhưng COVID-19 cũng dạy cho người ở lại nhiều điều…”.

Nhắc nhớ đau thương để vững vàng hướng về tương lai. Ảnh: NGỌC LÀI

Trên trang cá nhân, BS Trương Hữu Khanh xúc động viết: “Tôi cũng đã tìm hiểu con người sau khi mất sẽ về đâu? Nhiều tôn giáo hay vô thần. Và tôn trọng, trân trọng những mong muốn của bản thân người mất trước đó hay người thân của họ. Chỉ cầu mong tất cả những người đã mất trong trận dịch đau lòng này được về nơi họ muốn. Siêu thoát, về với ông bà tổ tiên, lên thiên đàng, về với Chúa… Mong những gia đình mất mát bình tâm bước tới dù biết mất mát này không thể bù đắp được. Tối nay 19-11-2021 - Tưởng niệm mất mát nhắc nhở tương lai".

Cầu chúc đất nước vượt qua khó khăn

Bạn Vương Ngọc Thủy chia sẻ: “Lễ tưởng niệm nhắc nhở những gia đình còn đầy đủ thành viên phải trân trọng sự sum vầy, tuân thủ các quy định phòng dịch. Buổi lễ nhắc nhớ sự tàn khốc của dịch bệnh cũng như giúp chúng ta nhớ vẫn còn đội ngũ y bác sĩ, bộ đội, công an, tình nguyện viên... không quản ngại ngày đêm bảo vệ an toàn cho người dân và giành giật sự sống cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Cầu chúc cho đất nước chúng ta sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm