Hơn nửa đời người mơ giấy tùy thân

Đến hẻm 185 đường Cống Quỳnh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 (TP.HCM) hỏi cha con ông Trần Văn Minh thì ai cũng “thuộc lòng” hoàn cảnh của hai người đàn ông này.

Lúc 14 tuổi, khi cha mẹ bị giết trong một trận càn của Mỹ ở Huế ông Minh cũng bị thương nặng và bị quân đội Mỹ “hốt” đi đâu không rõ. Bấy giờ ông chẳng có miếng giấy tùy thân lận lưng. Sau sáu năm bị đưa đi lòng vòng nhiều nơi, điểm dừng chân cuối cùng của ông là ở một cô nhi viện tại Sài Gòn. Ở đây được một năm thì Sài Gòn giải phóng. Ông Minh đi kinh tế mới ở Đồng Nai nhưng không chịu nổi cảnh sốt rét, bệnh tật lại quay về TP.HCM.

Đầu năm 1980, người đàn ông tứ cố vô thân này bén duyên với một phụ nữ cùng cảnh ngộ. Khi đứa con trai chưa đầy ba tuổi thì bà mất. Từ đó hai cha con vào hẻm 185 che mảnh bạt cũ sống tạm bợ. Thấy hai cha con sống cảnh màn trời chiếu đất, chính quyền đã đưa họ về trung tâm bảo trợ nhưng chưa đầy hai tháng sau họ quay về chỗ cũ đến tận bây giờ. Thương cảnh ngộ nghèo khổ của họ, một người dân trong hẻm cho một ô gác xép chưa đầy 3 m2 để hai cha con có chỗ chui ra chui vào.

Hơn nửa đời người mơ giấy tùy thân ảnh 1

Ông Trần Văn Minh bên “ngôi nhà” chưa đầy 3 m2 (phần phía trên cầu thang) do một người dân ở hẻm 185 đường Cống Quỳnh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 san sẻ để hai cha con ông sống qua ngày. Ảnh: VIỆT HOA

Ông Minh được Công an phường Nguyễn Cư Trinh cấp giấy tạm trú dài hạn. Nhưng giấy này không thể thay thế hộ khẩu và vì thế cha con ông không được cấp CMND để có thể thực hiện những giao dịch đơn giản nhất.

Nhớ lại câu chuyện sáu năm về trước, đôi mắt của người đàn ông 65 tuổi ầng ậng nước. Đó là vào năm 2006, thằng con trai đi bán vé số về khuya. Cậu bé ngồi ngủ gục bên đường Bùi Thị Xuân (quận 1) thì bị lực lượng chức năng gom về trung tâm trung chuyển trẻ em lang thang cơ nhỡ ở quận Bình Thạnh để chuyển xuống Trung tâm Bảo trợ trẻ em ở Chánh Phú Hòa (Bình Dương). Ông Minh chạy đôn chạy đáo tìm cách đưa con ra nhưng ngặt nỗi không có CMND nên ông không thể bảo lãnh con về. Cuối cùng, nhờ một người hàng xóm tốt bụng bảo lãnh, cậu bé mới được trở về với cha.

Cậu bé Trần Nguyên Hà, con trai ông Minh, giờ đã là một thanh niên 24 tuổi. Hà cũng làm đủ thứ nghề để hai cha con chèo chống qua ngày. Là thanh niên có sức vóc nên Hà không muốn lang thang khắp các nẻo đường với tập vé số trên tay. Nhiều lần anh xin vào làm công nhân ở các xí nghiệp rồi làm bảo vệ, nơi nào cũng nhận nhưng chỉ được vài tháng là cho nghỉ. Lý do là Hà không thể bổ túc hồ sơ sau hai tháng thử việc vì không có CMND. Quá nản lòng, anh xin làm giữ xe cho một quán ăn ở quận 1 để kiếm sống.

Nghĩ về tương lai của con, ông Minh lo lắng: “Cuộc đời tôi coi như bỏ đi, tôi chỉ lo cho tương lai của con trai. Hiện tại, nó không thể kiếm việc làm ổn định. Sau này nó lấy vợ, chẳng lẽ tất cả quyền lợi của vợ chồng con cái nó đều bị “khóa” hết chỉ vì không có hộ khẩu trong khi chúng tôi đã cư trú ổn định ở đây hơn 30 năm”.

Cần có người bảo lãnh nhập hộ khẩu

Trường hợp của ông Minh không khó để giải quyết, chỉ cần ông tìm được người bảo lãnh là công an cho ông nhập hộ khẩu ngay. Trước mắt, Công an phường sẽ xác nhận đơn trình bày hoàn cảnh của gia đình ông Minh để con trai ông có thể dùng nó xin việc trong khi chờ có hộ khẩu để làm CMND.

Trung tá NGÔ XUÂN THỌ,
Trưởng Công an phường Nguyễn Cư Trinh

Trên địa bàn phường có một bộ phận lớn dân nghèo tứ xứ về đây sinh sống từ sau giải phóng. Đối với trường hợp của ông Minh, phường xác nhận ông đã sinh sống tại hẻm 185 lâu nay và hai cha con ông đều sống hiền lành, không vi phạm pháp luật gì.

Ông NGUYỄN ĐÌNH NAM,
Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Cư Trinh

VIỆT HOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm