|
Tẩy trắng răng nên được thực hiện ở các cơ sở y tế chuyên khoa, có uy tín, tránh biến chứng. Ảnh: corbis. |
"Những tưởng đi tẩy trắng thì hàm răng sẽ tráng sáng đẹp hơn, ai dè. Giờ thì chỉ ước giá như hàm răng mình cứ xỉn như lúc đầu có khi còn tốt hơn", Hà buồn bã nói.
Theo tiến sĩ Phạm Như Hải, Trưởng khoa răng, Bệnh viện Việt Nam – Cuba, trong trường hợp của Hà, lý do gây lở loét, bỏng lợi là do chất tẩy trắng răng mà phòng khám sử dụng có quá nhiều ôxy già. Phải điều trị lợi ít nhất một tháng, bệnh nhân mới có thể khắc phục sự cố loang lổ men răng.
Ngày nay, dịch vụ làm trắng răng đang trở nên rất phổ biến, đa dạng về chủng loại, giá thành từ mấy chục nghìn cho đến tiền triệu. Tuy nhiên, cũng vì thế có nhiều người đi làm tại các cơ sở không đảm bảo chất lượng, dẫn đến biến chứng giống như Hà, tiến sĩ Hải cho biết.
Thành phần chính của thuốc tẩy trắng là nuớc ôxy già (H2O2) có kèm theo các hoạt chất. Tuy nhiên, giá các hoạt chất này thường rất đắt, chỉ một tuýp nhỏ nhưng có giá đến vài trăm nghìn đồng, trong khi chỉ vài nghìn đồng có thể mua được một chai nước ôxy già 100ml.
“Vì thế, một số cơ sở đã chạy theo lợi nhuận, sử dụng thuốc làm trắng răng có nồng độ ôxy già quá nhiều. Điều này khiến người bệnh có nguy cơ cao bị hoại tử lợi, vỡ men răng, tê buốt kéo dài…Việc điều trị có thể kéo dài, gây tốn kém và mệt mỏi cho bệnh nhân”, tiến sĩ Hải nói.
Bên cạnh đó, thuốc tẩy trắng răng quá nhiều ôxy già thường không bền. Có người chỉ sau một tuần, men răng đã đổi màu, chỗ xỉn, chỗ trắng.
Theo tiến sĩ Hải hiện nay, có 2 phương pháp làm trắng răng là tẩy trắng bằng thuốc và bọc men răng. Sử dụng thuốc tẩy trắng thì chi phí thấp, không đòi hỏi kỹ thuật cao và người bệnh không phải mài răng. Tuy nhiên, việc duy trì men răng trắng chỉ được 3-5 năm.
Bên cạnh đó, cách làm này có thể xảy ra nhiều biến chứng về lợi, màu sắc răng cũng không “thật”. Thuốc tẩy cũng chỉ có tác dụng với những người có hàm răng bị đổi màu, sậm màu nhưng men răng còn tốt. Nếu răng đen do hỏng men răng thì dùng thuốc nào cũng không có tác dụng.
Trong khi đó, với phương pháp bọc men răng, người bệnh sẽ có được men răng như ý muốn nhưng giá thành lại rất cao, đòi hỏi trình độ kỹ thuật chuyên môn cao. Vì thế, nếu làm ở cơ sở không có chuyên môn rất dễ dẫn đến đau răng kéo dài, nhiễm trùng chân răng …
Có nhiều nguyên nhân làm cho răng bị xỉn, đổi màu như: nghiện thuốc lá, vệ sinh răng không tốt, ăn nhiều thức ăn có chứa axit, hoá chất … Cũng có trường hợp men răng bị xỉn là do bẩm sinh, những khiếm khuyết phát triển trong quá trình hình thành men và ngà răng.
Vì thế, bác sĩ Hải khuyến cáo, để bảo vệ răng mỗi người nên có chế độ chăm sóc răng đúng cách, đánh răng 2-3 lần mỗi ngày, lấy cao răng định kỳ 2 lần một năm. Nếu muốn làm trắng răng người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và tư vấn cách tẩy trắng hiệu quả, an toàn.
Theo Phương Trang (VNE)