Hứa chạy giấy phép đầu tư dự án, chiếm đoạt 860.000 USD

Chiều 18-11, TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt Lê Thị Mây (sinh năm 1986, quận Hải Châu) tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, Công ty CP Vietnet Investment Group do ông Đỗ Hữu Dũng (trú huyện Hòa Vang) làm giám đốc nhưng mọi hoạt động đều do vợ chồng bà Trần Thị Ngọc Lan và ông Văn Công Quang (cùng trú quận Hải Châu) điều hành.

Khoảng tháng 2 đến tháng 5-2019, Công ty có nhu cầu tham gia đầu tư vào các Dự án xử lý rác thải TP Đà Nẵng, Dự án Nhà máy xử lý rác thải tỉnh Quảng Nam và Dự án khu dân cư phía Nam thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Thông qua sự giới thiệu của ông Dũng, vợ chồng bà Lan gặp Mây để liên hệ hỏi về việc xin giấy phép đầu tư.

Qua tiếp xúc, Mây lấy tên giả là Trần Thu Hà và đưa thông tin gian dối có nhiều mối quan hệ quen biết, có khả năng xin được giấy phép đầu tư các dự án cho Công ty của bà Lan trong thời gian từ 1 đến 3 tháng. 

Bị cáo tại tòa. Ảnh: TA

Mây liên hệ với anh Nguyễn Nam Phước (trú quận Ngũ Hành Sơn) và anh Nguyễn Văn Ánh (trú quận Liên Chiều) đều là nhân viên Công ty TNHH tư vấn xây dựng miền Trung để nhờ hỏi thủ tục và làm hồ sơ báo cáo công nghệ. Mục đích để được UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức các buổi thuyết trình giới thiệu về công nghệ xử lý rác thải và báo cáo sơ bộ các nội dung liên quan đến dự định đầu tư.

Sau các buổi thuyết trình này, Mây không làm các thủ tục cần thiết theo hướng dẫn của cơ quan chức năng để được cấp phép đầu tư theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, Mây liên tục đưa ra các thông tin gian dối để bà Lan tin tưởng và qua đó nhiều lần yêu cầu bà này đưa tiền làm chi phí rồi chiếm đoạt.

Cụ thể, sau khi hứa hẹn xin được giấy phép cho Công ty CP Vietnet Investment Oroup đầu tư vào Dự án nhà máy xử lý xác thải TP Đà Nẵng, ngày 28-2-2019, Mây yêu cầu bà Lan đưa trước 150.000 USD. Qua xác minh, tại báo cáo số 2975 ngày 2-12-2012 có 21 nhà đầu tư nộp hồ sơ đề xuất nhưng không có hồ sơ của Công ty CP Vietnet Investment Group.

Khoảng tháng 5-2019, trong quá trình chờ Mây hoàn thành thủ tục xin giấy phép đầu tư Dự án nhà máy xử lý rác thải tại Đà Nẵng, bà Lan trao đổi việc Công ty cũng có nhu cầu đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác tỉnh Quảng Nam và xin giấy phép đầu tư khu dân cư phía Nam thị trấn Nam Phước. Mây hứa hẹn sẽ xin được giấy phép hai dự án này trong khoảng từ 1 đến 2 tháng.

Mây yêu cầu bà Lan cung cấp thông tin để làm hồ sơ. Sau buổi thuyết trình giới thiệu về công nghệ xử lý rác thải với Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, Mây lại tiếp tục “án binh bất động”...

Từ ngày 28-2 đến 10-9-2019, bà Lan đã chuyển cho Mây tổng cộng 860.000 USD (khoảng hơn 19,8 tỉ đồng). Sau khi bị phát hiện và qua nhiều lần hai bên làm việc, Mây đã trả lại cho bà này 50 ngàn USD và hơn 500 triệu đồng.

Tại tòa, Mây cho rằng một số nội dung cáo trạng không đúng. Bị cáo không phải là người chủ động đề xuất bà Lan đưa tiền, giữa hai bên không có sự bàn bạc nào trước mà chính bà Lan là người đưa ra đề nghị, nhờ bị cáo “tìm đường” để tham gia vào các dự án. Bị cáo khai, tất cả số tiền bà Lan đưa, chi vào những gì, chi vào đâu đều được sự đồng ý của bị hại nhưng không chứng minh được điều này.

Sau hai ngày xét xử, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo mức án như trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm