Tiếp tục phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 11-9, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí trình bày báo cáo tóm tắt về kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp năm 2019.
Viện trưởng VKSND Tối cao nhận định: “Năm 2019, tình hình khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp vẫn còn diễn biến phức tạp. Một số nội dung khiếu nại, tố cáo mới gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài nhiều năm có phần gia tăng. Nhiều vụ việc đã được các cơ quan giải quyết hết thẩm quyền, đúng pháp luật nhưng công dân không đồng ý, vẫn tiếp tục yêu cầu giải quyết".
Ông Trí còn cho hay thời gian gần đây, một số trường hợp gửi đơn tố giác đến CQĐT VKSND Tối cao về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án, không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, ra bản án trái pháp luật… nhưng thực chất nội dung đơn là khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
“Khi CQĐT VKSND Tối cao chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì công dân không đồng ý và yêu cầu phải xử lý theo tội danh đã tố giác, dẫn đến vụ việc trở thành khiếu nại gay gắt, kéo dài” - ông Trí cho hay.
Sau khi lướt qua số lượng công dân và đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị mà VKSND các cấp đã tiếp, tiếp nhận, ông Trí đề cập đến một số kết quả về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Theo đó, dù số đơn và vụ việc có giảm nhưng tính chất của các đơn, vụ việc vẫn là khiếu nại về quyết định của thủ trưởng CQĐT và VKSND trong tố tụng hình sự. “Qua giải quyết khiếu nại, VKSND đã hủy sáu quyết định không khởi tố vụ án hình sự của CQĐT vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm để yêu cầu giải quyết lại tố giác tội phạm” - ông Trí cho hay.
Về kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại, ông Trí cho hay: "VKSND, VKSND Tối cao và VKSND cấp tỉnh thụ lý kiểm tra 146 vụ, việc đã có quyết định giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự có hiệu lực pháp luật; đã kết luận kiểm tra 130 vụ việc. Qua đó, hủy 11 quyết định không khởi tố vụ án hình sự để giải quyết lại tin báo, tố giác tội phạm vì thiếu căn cứ” - ông Trí cho hay.
Báo cáo của VKSND Tối cao cũng cho hay một số trường hợp khiếu nại không có cơ sở nhưng quá trình giải quyết, cơ quan có thẩm quyền chưa phân tích rõ căn cứ bác đơn dẫn đến khiếu kiện kéo dài nhiều năm. Khi kiểm tra, VKSND cấp trên xem xét toàn diện tài liệu, chứng cứ, tiến hành đối thoại với công dân, phân tích, ban hành kết luận có cơ sở. Từ đó đương sự chấp nhận kết quả xem xét, giải quyết, không tiếp tục khiếu nại.
Đề cập đến một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, ông Trí nói đến việc chưa đảm bảo thời hạn hoặc chưa thu thập, phân tích đầy đủ tài liệu, chứng cứ cho việc giải quyết, dẫn đến VKSND cấp trên phải hủy để giải quyết lại. Công tác kiểm sát chưa hiệu quả.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế được VKSND Tối cao quy về việc BLTTHS quy định thời hạn giải quyết khiếu nại rất ngắn, áp lực chuyên môn khiến nhiều đơn vị kiểm sát chưa thực hiện tốt nhiệm vụ và việc chỉ đạo, công tác nhân sự cũng có nhiều hạn chế.
Trong hai khó khăn, vướng mắc, ông Trí đề cập đến việc một số công dân lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo hoặc do nhận thức pháp luật hạn chế nên liên tục gửi đơn và trực tiếp đến địa điểm tiếp công dân của VKSND Tối cao và một số VKSND tỉnh, TP lớn. “Không ít trường hợp do không được đáp ứng yêu cầu đã có hành vi quá khích, quay video, chụp ảnh... nhưng pháp luật chưa có quy định cụ thể về xử lý những trường hợp này, vì vậy công tác tiếp công dân, xử lý đơn của VKSND các cấp gặp khó khăn” - ông Trí cho hay.
Các giải pháp mà VKSND Tối cao đề ra vẫn là tiếp tục chỉ đạo tăng cường trách nhiệm, tăng cường công tác kiểm sát trực tiếp, kiện toàn biên chế, tổ chức và đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức.
Báo cáo của VKSND Tối cao kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường giám sát, kiến nghị Đảng, Nhà nước tăng cường nguồn lực cho ngành kiểm sát, trong đó có chính sách đãi ngộ cho những đơn vị, cán bộ tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.