Iran: Nạn nhân bị tấn công bằng acid được áp dụng "Luật báo thù"

Cuộc sống của Ameneh Bahrami được độc lập về tài chính do cô làm việc cho một công ty thiết bị y khoa. Một vài thanh niên đã hỏi cưới Bahrami nhưng cô gái luôn từ chối, vì cô tâm niệm: "Tôi muốn lập gia đình nhưng chỉ lấy người mà tôi yêu thương".

Khi còn học ở một trường đại học tại Tehran, có một nam sinh viên tên là Majid Movahedi thường xuyên theo đuổi Bahrami đến mức gây khó chịu cho cô, mặc dù cả hai không bao giờ nói chuyện với nhau. Năm 2003, mẹ của Movahedi gặp cha mẹ của Bahrami để ngỏ lời dạm hỏi cô gái cho con trai mình. Từ đó Movahedi luôn tìm cách chặn đường để gặp mặt Bahrami, đồng thời đe dọa sẽ tự sát nếu không cưới được cô làm vợ.

Ngày 31/10/2004, Bahrami chủ động gặp mặt Movahedi để nói thẳng ý muốn khước từ cuộc hôn nhân. Và 3 ngày sau, tội ác xảy ra tại một khu công viên đông đúc người qua lại ở Tehran. Bahrami nói: "Lúc đó tôi cảm thấy như đầu tôi hứng cả một gáo nước sôi, đau đớn kinh hồn không thể diễn tả nổi. Tôi ngã xuống hè đường và gào thét mọi người giúp đỡ". Hung thủ không ai khác chính là chàng trai si tình đến điên dại Movahedi. Cả một bình acid hắt vào đầu Bahrami, chảy từ mặt xuống cả thân thể cô gái.

Iran: Nạn nhân bị tấn công bằng acid được áp dụng "Luật báo thù" ảnh 1

Ameneh Bahrami cầm bức ảnh chụp cô trước khi bị Majid Movahedi tấn công bằng acid. 

Một vài người đi đường vội đưa Bahrami đến bệnh viện gần nhất. Hai tuần sau cuộc tấn công bằng acid hết sức dã man này hung thủ Movahedi ra tự thú. Bahrami được điều trị tại khoa bỏng ở một bệnh viện khác và phải chịu đựng nhiều cuộc phẫu thuật kéo dài suốt 6 tháng. Cô nói: "Lúc nào tôi cũng phải ngủ đứng. Tôi bị mù cả hai mắt".

Sau hàng loạt cuộc phẫu thuật phức tạp, đội ngũ bác sĩ Iran chuyển Bahrami đến một bệnh viện chuyên khoa mắt ở Barcelona, Tây Ban Nha, trong nỗ lực cứu chữa phục hồi phần nào thị lực cho một mắt của Bahrami. Nhưng Bahrami không có bảo hiểm y tế. Cá nhân Tổng thống Iran lúc đó là Mohammad Khatami tự nguyện chịu phần lớn phí tổn điều trị cho Bahrami và hứa hẹn chính quyền Iran sẽ chịu trách nhiệm chi trả phần còn lại. Đội ngũ bác sĩ Viện Mắt ở Barcelona rất xúc động trước tình cảnh của Bahrami.

Ramón Medel, bác sĩ phẫu thuật mắt của bệnh viện nói: "Cô ấy là một bệnh nhân hết sức đặc biệt. Quá can đảm. Cô ấy đến từ nước ngoài, bị mù mắt, không biết tiếng Tây Ban Nha. Và chỉ mong muốn một điều duy nhất: có thể nhìn thấy trở lại". Medel và nhóm bác sĩ bệnh viện tập trung cứu chữa con mắt phải ít bị tổn hại nhất của Bahrami. Medel nói: "Sau vài cuộc phẫu thuật, bệnh nhân có thể nhìn thấy được lờ mờ. Nhưng chúng tôi cần phải cố gắng chữa trị nhiều hơn nữa cho cô gái".

Tháng 8/2005, tức gần một năm sau vụ tấn công kinh hoàng, Mahmoud Ahmadinejad trở thành Tổng thống Iran và việc chi trả mọi phí tổn chữa trị y khoa cho Bahrami cũng như tiền thuê căn hộ của cô gái ở Barcelona đột ngột bị ngưng lại. Cuối cùng Bahrami bị đuổi khỏi căn hộ đang thuê và buộc phải ở một nơi dành cho những người vô gia cư.

Biết được hoàn cảnh khó khăn của Bahrami, Chủ tịch Hiệp hội bằng hữu Iran ở New York (Mỹ) - tổ chức giúp đỡ người Iran trên toàn thế giới - là Amir Sabouri đích thân đến Tây Ban Nha để kêu gọi sự giúp đỡ từ kiều bào Iran ở nước ngoài và chính quyền sở tại Tây Ban Nha. Bahrami đã trải qua tất cả 17 cuộc phẫu thuật, trong đó một ca cố gắng phục hồi gương mặt của cô nhưng không thành công ở Tây Ban Nha.

Tháng 6/2008, Bahrami trở về Iran với con mắt phải được phục hồi 40% thị lực. Sau đó cô bắt đầu đấu tranh đòi tòa án thi hành luật qisas  (báo thù) của Hồi giáo - sự trừng phạt "mắt đền mắt". Nếu sự trừng phạt này được thi hành, Movahedi sẽ bị nhỏ 5 giọt  sulfuric acid vào mỗi mắt của anh ta. Theo luật của Iran, người bị kết án có 20 ngày để kháng án. Nếu Movahedi thất bại, sự trừng phạt sẽ được tiến hành vào ngày do Bộ Tư pháp Iran quyết định.

Bác sĩ Medel,  người đứng đầu êkíp y bác sĩ chữa trị cho Bahrami tâm sự: ông cảm thấy sốc mạnh khi Bahrami đòi phá hủy đôi mắt của người khác! Tuy nhiên cho đến tháng 5 này, chính quyền Iran vẫn quyết định hoãn thi hành án - theo Hãng Thông tấn ISNA của Iran - và không cho biết  cụ thể khi nào sự trừng phạt được thực hiện.

Phản ứng trước vụ án rắc rối và kéo dài này, các nhà hoạt động nhân quyền cảnh báo chống lại bản án "vô nhân đạo" dành cho Movahedi. Hassiba Hadji Sahraouni, Phó giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi của Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) nói: "Thật  không thể tin nổi chính quyền Iran có thể coi bản án này là hình phạt. Cho dù tội ác gây ra cho Bahrami có kinh khủng đến mức nào đi nữa thì việc làm mù hai mắt (người bị kết án) bằng acid là hình phạt độc ác. Bạo lực xã hội sẽ không được khắc phục bằng bạo lực.

Theo luật Hồi giáo, sự trừng phạt thân thể được cho phép bao gồm đánh roi, cắt chi và ném đá - những bản án khắc nghiệt thường gây tranh cãi dữ dội ngay tại Iran vì chúng quá man rợ. Nhưng đây là trường hợp khác. Về phần mình, Bahrami, năm nay 34 tuổi, cho biết cô đã đấu tranh rất gian nan trong một thời gian dài để đòi công lý cho mình. Cô nói: "Tôi làm như thế bởi vì không muốn tội ác đó xảy ra cho bất cứ phụ nữ nào khác nữa".

Một số quan chức chính quyền Iran, như Mahmoud Salarkia, Thứ trưởng Tư pháp Iran cũng đồng ý cho rằng, sự trừng phạt (bằng acid) là biện pháp răn đe hiệu quả nhất đối với loại tội ác dã man này để trong tương lai, những kẻ mang dã tâm phải chùn tay nếu muốn phá nát cuộc đời người khác.

Trần Phong tổng hợp (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm