Joe Ruelle - MR. dâu tây: “Tôi cũng sợ bị ghét!”

Joe viết về Việt Nam khá nhiều, từ những chuyện bực mình, khó chịu đến những nét thú vị, dễ thương… nhưng đọng lại vẫn là những điều cần suy nghĩ.

Joe Ruelle - Mr. Dâu Tây là một chàng Tây chính hiệu. Sinh ra tại Canada nhưng anh nói tiếng Việt sõi như người Việt. Cái sự sành sỏi của anh từng khiến đạo diễn Lê Hoàng phải thốt lên nhận xét: “Một chàng Tây viết hay hơn ta”. Nhân dịp cuối năm, Mr. Dâu Tây đã dành cho Pháp Luật TP.HCM một cuộc trò chuyện thú vị.

Không đứng bên lề cuộc sống

. Đọc Ngược chiều vun vút - cuốn sách mới ra của anh - thấy anh ghi nhận cuộc sống của người Việt qua nhiều góc khác nhau. Vậy những gì anh thích thú có lớn hơn cái anh chưa hài lòng trước những gì anh thấy, anh nghe, anh cảm nhận ở Việt Nam?

+ Nếu ví cảm nhận của tôi về Việt Nam như một công ty trách nhiệm hữu hạn thì đơn vị “thích thú” sẽ sở hữu 51% vốn, đơn vị “chưa hài lòng” là 49% còn lại. Mặc dù góc “thích thú” nhiều hơn hẳn nhưng tôi vẫn rất tự hào về những bài thuộc góc “chưa hài lòng”. Tôi nhớ có lần tôi từng đọc bài của chị Thảo Hảo nói về các nhà văn không thấy cần làm gì trong khi cuộc sống có nhiều điều bất cập, về những nghệ sĩ “coi việc khoanh tay đứng bên lề cuộc sống như một việc sang trọng”. Với cuốn sách này, tôi đã một phần thoát khỏi hình ảnh đó - hình ảnh một người nước ngoài dễ thương đứng bên lề cuộc sống.

. Không chỉ giỏi tiếng Việt, anh còn sành sỏi cả những tiếng lóng, những cách chơi chữ của người Việt. Anh học những ngôn ngữ này như thế nào?

+ Về cách chơi chữ thì tôi học ở tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh. Tất nhiên tiếng Việt có cách chơi chữ rất riêng, tôi phải tiếp xúc với nhiều người và đọc nhiều bài châm biếm mới áp dụng được nó. Ý tôi muốn nói ở đây là chất “toán” của ngôn ngữ. Không ai nói với Ngô Bảo Châu rằng: “Anh chỉ ở Paris mấy năm mà lại giỏi toán thế”. Ai cũng biết khả năng đó dựa trên một quá trình học hỏi bắt đầu từ lúc anh ấy mới biết cầm bút chì. Việc viết văn cũng vậy, có nhiều yếu tố kết cấu có thể áp dụng ở đâu cũng được, miễn là con người nơi đó có dòng máu màu đỏ và bộ não màu xám. Đó là những yếu tố phải nghiên cứu từ thời cấp 2.

Joe Ruelle - MR. dâu tây: “Tôi cũng sợ bị ghét!” ảnh 1

Joe Ruelle - gương mặt được nhiều người Việt biết đến với biệt danh Mr. Dâu Tây. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

. Anh có tiếp xúc nhiều với những người dân thuộc tầng lớp lao động ở Việt Nam không và anh cảm nhận được gì từ họ?

+ Có chứ. Ở Việt Nam, chú xe ôm nào cũng là nhà triết học chưa được cấp chứng chỉ.

. Năm nay anh sẽ ăn tết ở Việt Nam chứ? Anh có dự định gì cho mình chưa?

+ Tết này chắc tôi sẽ đi du lịch cùng bạn bè. Tôi ngại ăn tết ở Việt Nam vì nhiều lý do. Cứ hai năm là tôi ăn tết ở Việt Nam một lần, lần này đến lượt nghỉ.

Nhuận bút không đủ tiền cà phê

. Chuyên mục anh đang viết trên báo Dân Trí nói theo cách ngày nay là rất “hút hàng”. Anh chuẩn bị cho những tác phẩm đó như thế nào?

+ Mỗi bài thường lấy của tôi hai ngày: Nửa ngày để chọn chủ đề, nửa ngày để viết, nửa ngày để viết lại, nửa ngày để uống cà phê. Việc đó tôi đã làm như một sở thích, chứ nhuận bút mỗi bài chưa đủ bù lại tiền cà phê. Vấn đề là ở Việt Nam, các tờ báo chưa nhận ra được giá trị của những cây bút quen thuộc.

. Nghĩa là sao, thưa anh?

+ Về mặt lý thuyết, một phần đáng kể doanh thu của các tờ báo nên chuyển cho những gương mặt độc quyền, những cá tính thu hút. Ở Việt Nam, các tờ báo và chương trình giải trí vẫn rất ngại đầu tư vào con người, xem các nhà báo, người dẫn chương trình là yếu tố dễ thay thế. Nghĩ đến nhiều báo mạng của thế giới như của BBC, CNN, New York Times là tôi hình dung ngay những gương mặt như Nick Kristof, Anderson Cooper, Arianna Huffington…, còn nghĩ đến các tờ báo của Việt Nam, cả báo mạng lẫn báo giấy, tôi chưa hình dung ra ai. Tôi hy vọng điều đó sẽ sớm thay đổi...

. Khá nhiều cô gái Việt Nam thích có người yêu Tây, chồng Tây. Một chàng Tây đẹp trai, tài năng như anh chắc hẳn được lắm cô săn đón?

+ Cái từ “đẹp trai” mà bạn nói thì tôi nghi ngờ lắm, còn từ “tài năng” thì cũng nghi ngờ một chút. Tuy nhiên, tôi công nhận có nhiều cô gái Việt thích yêu Tây, kể cả Tây xấu, Tây kém. Điều đó chứng tỏ rằng dân tộc tôi làm tiếp thị tốt. Mà tôi xin nói nhỏ với bạn, trong tình yêu thì tiếp thị là đơn vị có thể sở hữu được hơn 50% khả năng chiến thắng.

Vì… tôi yêu Việt Nam

. Một số người Việt Nam không thích bị người khác nói đến cái xấu của mình. Viết động chạm thế anh có sợ bị nhiều người ghét không?

+ Lạ nhỉ, một số người Canada cũng có một cái tính y hệt như thế (cười). Trước hết, chất “động chạm” ấy chỉ thể hiện trong một số bài. Ai đọc cả quyển Ngược chiều vun vút sẽ thấy có đủ các hành động, trạng thái của một cuộc sống vợ chồng: ôm, hôn, cáu... Để có khả năng diễn đạt những cảm nhận động chạm ấy, tôi phải dành gần 10 năm để học ngôn ngữ, nghiên cứu về văn hóa Việt Nam. Việc học hỏi đó chắc chắn không thực hiện được nếu không dựa trên một tình cảm lớn. Còn chuyện sợ bị ghét thì đương nhiên tôi vẫn sợ. Ai chả sợ nhưng không vì thế mà không làm.

. Tham gia nhiều lĩnh vực liên quan đến truyền thông, Joe đã trở thành người của công chúng Việt. Điều đó mang đến niềm vui gì, phiền toái gì cho anh?

+ Niềm vui thì đơn giản. Từ nhỏ tôi đã muốn có chút gì đóng góp cho xã hội và cảm thấy mình sinh ra để làm công việc đó. Trở thành người của công chúng là tôi có thể thực hiện nhiệm vụ đó. Nói một cách nôm na thì tôi thấy mình là sản phẩm được sử dụng theo đúng lời hướng dẫn. Chuyện sản phẩm đó có mang lợi ích cho mọi người hay không thì có thể bàn bạc nhưng ít nhất sản phẩm được dùng như đã thiết kế.

. Xin cảm ơn Mr. Dâu Tây.

Joe Ruelle sinh năm 1978 tại Vancouver (Canada). Năm 2002, anh tốt nghiệp Trường ĐH Acadia, chuyên ngành nghệ thuật sân khấu. Năm 2004, anh đến Việt Nam làm nghiên cứu cho tổ chức UNICEF. Trong ba năm làm việc tại đây, Joe tham gia khóa học tiếng Việt tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Năm 2006, một người bạn đã khuyên Joe viết blog bằng tiếng Việt. Kể từ đây, anh được nhiều người biết đến như một “ông Tây nói tiếng Việt hay kinh điển”. Tháng 6-2007, cuốn sách Tớ là Dâu (NXB Kim Đồng) của Joe được xuất bản và liên tục đứng đầu danh sách các tác phẩm bán chạy nhất trên thị trường sách Việt Nam.

Tại Việt Nam, anh còn là gương mặt quen thuộc trong các chương trình truyền hình. Ngoài tên thật, anh còn được mọi người gọi bằng một biệt danh giản dị, thân mật là “Dâu”.

VIẾT THỊNH thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm