Kẽ hở làm "rơi" vật chứng

BLTTHS quy định rất rõ trách nhiệm bảo quản vật chứng vụ án trong từng giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án nhưng thực tế vẫn xảy ra tình trạng vật chứng bị thất lạc, các cơ quan liên quan đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Mới đây, TAND TP.HCM đã trả hồ sơ cho VKS cùng cấp để điều tra bổ sung vụ án giết người do NTH thực hiện. “Trong vụ này, đây đã là lần trả hồ sơ thứ ba nhưng xem ra kết quả cũng sẽ không được làm rõ hơn bởi nhiều vật chứng quan trọng như các mẫu tóc, vết máu, áo quần, điện thoại cứ bị… mất dần sau mỗi lần hoàn trả hồ sơ” - vị thẩm phán giải quyết vụ án cho biết.

Vật chứng mất, chẳng rõ ai chịu trách nhiệm

Theo vị thẩm phán trên, thời gian qua, việc vật chứng trong án hình sự bị thất lạc, bị mất trong giai đoạn tòa chuẩn bị xét xử vẫn xảy ra nhưng lại không truy trách nhiệm được dù BLTTHS hiện hành quy định rõ về mốc thời gian và cơ quan chịu trách nhiệm bảo quản vật chứng. Có thực tế này vì Thông tư số 06 ngày 5-7-2007 của Bộ Tư pháp (hướng dẫn thực hiện một số thủ tục hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự) có điểm không đúng với tinh thần của BLTTHS.

Cụ thể, việc giải quyết một vụ án hình sự phải trải qua bốn giai đoạn: giai đoạn khởi tố, điều tra; giai đoạn truy tố; giai đoạn xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm); giai đoạn thi hành án (cả hình sự lẫn dân sự). Giai đoạn điều tra kết thúc sau khi cơ quan điều tra ban hành bản kết luận điều tra và chuyển giao hồ sơ vụ án cho VKS. Giai đoạn truy tố kết thúc sau khi VKS ban hành bản cáo trạng và chuyển giao hồ sơ cho tòa. Giai đoạn xét xử được bắt đầu kể từ ngày tòa nhận hồ sơ và thụ lý vụ án.

Kẽ hở làm "rơi" vật chứng ảnh 1

Điểm đ khoản 2 Điều 75 BLTTHS quy định đối với vật chứng đưa về cơ quan tố tụng bảo quản thì cơ quan công an có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố; cơ quan thi hành án có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn xét xử và thi hành án.

Như vậy, cơ quan thi hành án có trách nhiệm bảo quản vật chứng kể từ khi tòa nhận hồ sơ và thụ lý vụ án. Thế nhưng Tiểu mục 1 Mục II Thông tư 06 lại hướng dẫn cơ quan thi hành án chịu trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản vật chứng, tài sản do cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra chuyển giao kể từ khi tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Với hướng dẫn này, trong giai đoạn chuẩn bị trước khi tòa có quyết định đưa vụ án ra xử (từ một tháng đến ba tháng tùy loại tội phạm), vật chứng sẽ không biết giao cho cơ quan nào bảo quản. Dựa theo khoản 2 Điều 75 BLTTHS thì cơ quan điều tra không còn nghĩa vụ phải bảo quản vật chứng vì giai đoạn điều tra, truy tố đã kết thúc. Chưa kể, điểm b khoản 2 Điều 21 Thông tư liên tịch số 05 ngày 7-9-2005 của VKSND Tối cao - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng cũng hướng dẫn rõ: Trường hợp vật chứng được bảo quản tại kho của cơ quan công an thì khi ra quyết định truy tố, VKS ra quyết định chuyển vật chứng từ kho vật chứng của cơ quan công an sang kho vật chứng của cơ quan thi hành án. Tuy nhiên, khi cơ quan công an, VKS chuyển giao vật chứng thì cơ quan thi hành án từ chối không tiếp nhận vì tòa chưa có quyết định đưa vụ án ra xét xử như hướng dẫn trong Thông tư 06.

Mỗi nơi một kiểu!

Trước hướng dẫn tréo ngoe của Thông tư 06 so với BLTTHS và Thông tư 05, không chỉ riêng TP.HCM mà ở nhiều địa phương khác đã xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm bảo quản vật chứng giữa cơ quan điều tra và cơ quan thi hành án dân sự trong giai đoạn tòa chuẩn bị xét xử. Đến khi vật chứng có bị mất thì cũng không biết ai sẽ phải chịu trách nhiệm.

Trong các cuộc họp nghiệp vụ của ngành kiểm sát, vấn đề trên luôn được đưa ra bàn luận bởi lẽ hiện nay, kho tang vật chứng của công an các tỉnh, thành luôn trong tình trạng quá tải.

Được biết hiện nay mỗi địa phương vận dụng một kiểu. Chẳng hạn ở Hà Nội, cơ quan thi hành án dân sự vẫn tiếp nhận vật chứng theo quy định của BLTTHS. Còn tại Khánh Hòa và Thái Nguyên, cơ quan thi hành án lại không nhận vật chứng trước khi tòa có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Riêng ngành tòa án tỉnh Thái Nguyên thì không nhận hồ sơ vụ án (dù đã có cáo trạng truy tố) nếu trong hồ sơ không có biên bản giao nhận vật chứng giữa cơ quan điều tra và cơ quan thi hành án.

Theo một kiểm sát viên VKSND TP.HCM, để việc bảo quản vật chứng trong giai đoạn xét xử được thực hiện thống nhất, đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền phải xem xét sửa đổi hướng dẫn trong Thông tư 06 cho phù hợp với BLTTHS.

Vướng từ chuyện nhỏ

Một vấn đề mà nhiều người thắc mắc là theo Thông tư 06, cơ quan thi hành án tiếp nhận, bảo quản vật chứng, tài sản kể từ khi tòa có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Thế nhưng pháp luật tố tụng hình sự lại không hề có quy định nào về việc tòa phải gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử cho cơ quan thi hành án cả. Do đó, nếu các tòa không gửi quyết định thì cũng không có gì sai. Mà như vậy, cơ quan thi hành án sẽ không biết để thực hiện việc tiếp nhận, bảo quản vật chứng.

Chưa kiểm sát chặt

Thời gian qua ở một số địa phương vẫn tồn tại vi phạm trong việc chuyển giao vật chứng giữa các cơ quan tố tụng với nhau và với cơ quan thi hành án. Vi phạm mang tính phổ biến thể hiện ở việc không chuyển giao vật chứng kịp thời, đúng thủ tục. Thậm chí có tình trạng án đã đưa ra xét xử mà vẫn không rõ vật chứng ở đâu, ai quản lý. Nguyên nhân cũng có phần trách nhiệm của kiểm sát viên, do kiểm sát không chặt chẽ, không kiến nghị tác động kịp thời đến cơ quan điều tra để khắc phục vi phạm.  

Kiểm sát viên NGUYỄN ANH ĐỨC,
VKSND TP Đồng Hới, Quảng Bình

Mất vật chứng, nhiều hệ lụy

Theo tôi, cần phải quy định thủ tục bắt buộc khi xét xử các vụ án có vật chứng đòi hỏi phải có biên bản giao nhận vật chứng giữa cơ quan công an và cơ quan thi hành án dân sự để tránh tình trạng nhiều bản án, quyết định của tòa đã có hiệu lực pháp luật nhưng không biết còn vật chứng hay không, đang nằm chỗ nào.

Đã có nhiều trường hợp cơ quan thi hành án dân sự nhận bản án, quyết định đã có hiệu lực do tòa chuyển giao nhưng không thể ra quyết định thi hành án vì không có vật chứng. Trả lại bản án, quyết định của tòa án cho tòa thì pháp luật không cho phép (thực tế đã có một số cơ quan thi hành án trả lại bản án, quyết định cho tòa), không trả thì lại vi phạm về thời hạn ra quyết định thi hành án.

Một kiểm sát viên VKSND TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm