Kenya có thể chiếm lĩnh thị trường đất hiếm thế giới

Kenya có thể chiếm lĩnh thị trường đất hiếm thế giới ảnh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: businessdailyafrica.com)
Theo thông báo của công ty Cortec Kenya Mining, vùng Mrima Hill ở hạt Kwale là nơi có một trong 5 mỏ đất hiếm lớn nhất thế giới. Trước đó tại khu vực này cũng phát hiện một số mỏ niobi, chất phụ gia giúp tăng cường độ bền của thép, với tổng trị giá ước tính 35 tỷ USD. Theo Giám đốc điều hành của Cortec Kenya Mining, ông David Anderson, cho đến nay đây là mỏ khoáng sản lớn nhất ở Kenya và phát hiện mới này sẽ đưa Kenya trở thành một trong những nước sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới. Trung Quốc hiện cung cấp hơn 90% sản lượng đất hiếm của thế giới nhưng cũng tiêu thụ hơn 2/3 trong số này do sự bùng nổ của ngành sản xuất điện tử trong nước. Theo ước tính, nhu cầu về đất hiếm trên toàn cầu hiện ở mức 136.000 tấn/năm nhưng nguồn cung chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. Chính sự khan hiếm này đã đẩy giá đất hiếm lên mức kỷ lục 31,2 USD/kg, buộc Nhật Bản phải tìm cách đa dạng nguồn cung. Nhật Bản cũng là một trong những nước tiêu thụ nhiều đất hiếm, chiếm gần 1/3 lượng tiêu thụ của thế giới. Đất hiếm có giá trị cao và rất hữu dụng trong nhiều ngành công nghệ cao do có thể được sử dụng để tạo ra những chất liệu hy hữu khi tương tác với những nguyên tố khác. Gọi là "đất hiếm" nhưng nhiều nguyên tố trong đất hiếm không hề hiếm trong tự nhiên. Tuy nhiên, do các nguyên tố này chỉ tích tụ với hàm lượng rất nhỏ nên việc khai thác gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, với các tính chất hoá học tương đối giống nhau nên các nguyên tố trong đất hiếm thường co cụm lại, nhất là các nguyên tố phóng xạ như thorium và uranium, khiến cho việc bóc tách phức tạp và tốn kém.
Theo TTXVN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm