Kéo Hoàng Sa của Tổ quốc về gần hơn với đất liền!

Ngày 28-3, UBND TP Đà Nẵng tổ chức khánh thành Nhà trưng bày Hoàng Sa. Khởi công xây dựng từ năm 2015, nơi đây sẽ trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền những thông tin, tư liệu, hình ảnh sinh động, giá trị chứng minh lịch sử về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Lá quốc kỳ đặc biệt

Nhà trưng bày Hoàng Sa tọa lạc ở đường Hoàng Sa (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), mặt trước hướng thẳng ra biển Đông tựa như triệu triệu trái tim Việt vẫn luôn khắc khoải hướng về quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Anh Lê Tiến Công, Phó Giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa, cho biết công trình này được thiết kế, xây dựng theo ý tưởng “con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam” của nhóm tác giả Fuminori Minakami (Nhật Bản), Trần Quốc Thành và Nguyễn Huy Quang.

Anh Lê Phú Nguyện, Chánh Văn phòng huyện đảo Hoàng Sa (TP Đà Nẵng), cho biết một trong những điểm nhấn của công trình này chính là lá quốc kỳ thắp sáng phía trước nhà trưng bày. Theo anh Nguyện, lá cờ đặc biệt này được làm bằng bê tông sợi thủy tinh dưới sự tư vấn của các chuyên gia Nhật Bản. “Lá cờ được thiết kế theo kiểu 3D tạo cảm giác như nó đang phấp phới tung bay giữa bầu trời Đà Nẵng. Với ý tưởng này, chúng tôi mong muốn khi bà con ngư dân vươn thuyền ra khơi sẽ luôn nhìn thấy lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc” - anh Nguyện chia sẻ.

Các chiến sĩ hải quân chăm chú xem những tư liệu về quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: T.AN

Ông Lê Đình Rê (nhân chứng Hoàng Sa) mải mê chụp lại những tấm ảnh, tư liệu cũ về quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: T.AN

Tâm thức chủ quyền càng khắc khoải hơn

Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa (TP Đà Nẵng), cho biết xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa là một quyết tâm lớn của lãnh đạo TP và trung ương, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Việc này thể hiện rõ nét tinh thần đoàn kết, thống nhất trong mỗi người Việt Nam. Dù có làm gì, ở đâu, bất cứ cương vị nào cũng đều có trách nhiệm chung sức, chung lòng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. “Nhà trưng bày Hoàng Sa sẽ là ngọn đuốc thắp sáng ý chí đấu tranh bảo vệ chủ quyền của người dân TP nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung” - ông Đồng khẳng định.

Trên 500 hiện vật quý sắp được trưng bày

Có trên 500 hiện vật, tư liệu, bản đồ sẽ được trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng Sa trong thời gian tới theo năm chủ đề lớn gồm: Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên; Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam trước thời Nguyễn; Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam vào thời Nguyễn; Hoàng Sa trong thời Pháp thuộc; Hoàng Sa từ năm 1975 đến nay.

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, ý tưởng thiết kế nhà trưng bày có hình “Con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam” hết sức ấn tượng. “Nó thể hiện sinh động sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, chứng tỏ Việt Nam đã có một quá trình xác lập và thực thi chủ quyền rất sớm đối với quần đảo Hoàng Sa, ít nhất là từ thời các chúa Nguyễn. Trong đó, việc vua Minh Mạng đóng dấu trong văn bản thành lập hải đội Hoàng Sa là một trong những dấu mốc quan trọng của quá trình xác lập và thực thi chủ quyền không thể tranh cãi này” - ông Thơ nhấn mạnh.

Chủ tịch Đà Nẵng bày tỏ vui mừng khi kể từ nay người Đà Nẵng và du khách thập phương đã có thể tận mắt chứng kiến những bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định quá trình xác lập, thực thi chủ quyền của người Việt đối với quần đảo Hoàng Sa. Và quan trọng hơn, nhà trưng bày sẽ là lời nhắc nhở mỗi người dân luôn nhớ rằng cho đến tận hôm nay, TP Đà Nẵng vẫn còn nguyên một huyện ngoài biển khơi xa đang bị ngoại bang chiếm đóng trái phép.

“Chính nơi đây sẽ làm cho tâm thức ấy càng sâu sắc hơn, khắc khoải hơn, củng cố thêm niềm tin sẽ có ngày huyện đảo thân yêu của chúng ta thoát được sự chiếm đóng của ngoại bang để trở về đoàn tụ trên thực tế với các quận, huyện của TP Đà Nẵng” - ông Thơ nói.

Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa (TP Đà Nẵng), cho biết lá quốc kỳ phía trước nhà trưng bày sẽ được thắp sáng liên tục ngày đêm. “Bất cứ ai đi ngang qua biển Đà Nẵng sẽ nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng ngay từ xa. Nó cũng chính là ngọn hải đăng chỉ đường dẫn lối, nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam luôn hướng về Hoàng Sa” - ông Ngữ bày tỏ.

Ông Ngữ, chủ tịch đầu tiên của huyện đảo Hoàng Sa (TP Đà Nẵng), chính là một trong những người lên ý tưởng và đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nhà trưng bày. Buổi sáng hôm qua, tuy vẫn mang vẻ ngoài điềm tĩnh, trầm tư quen thuộc nhưng người ta thấy khóe mắt ông Ngữ ướt khi cùng mọi người xem lại những hiện vật, tư liệu quý giá về Hoàng Sa.

Thi thoảng nghe thấy những tiếng “á”, “ố” hay lời bàn tán của các em học sinh về một hiện vật, tư liệu Hoàng Sa nào đó, ông lại khẽ mỉm cười. Ông Ngữ bảo đó là nụ cười của sự mãn nguyện, sự tự hào khi cuối cùng nguyện vọng bao năm qua của người dân Việt Nam về Hoàng Sa đã được thỏa mãn một phần nào.

“Tầm vóc công trình tuy không to nhưng Nhà trưng bày Hoàng Sa mang một ý nghĩa rất lớn. Nó là nơi gửi gắm tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với một phần máu thịt của Tổ quốc, góp phần kéo Hoàng Sa về gần hơn với đất liền” - ông Ngữ cho hay.

Ông Ngữ cũng cho biết quá trình thu thập tài liệu, hiện vật liên quan đến Hoàng Sa gặp rất nhiều khó khăn. “Những tư liệu này ít được chú ý, chủ yếu là hình ảnh và nằm rải rác ở nhiều nơi nên rất vất vả để tìm kiếm, thu thập” - ông Ngữ nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm