Khám nghiệm hiện trường thiếu sót: Tòa khó xử !

Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM vừa hủy một bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Đồng Tháp để điều tra lại từ đầu vì chưa đủ căn cứ kết tội bị cáo.

Bỏ mặc hiện trường cả đêm

Khám nghiệm hiện trường thiếu sót: Tòa khó xử ! ảnh 1

Theo hồ sơ, sau khi đã uống rượu, tối 12-9-2007, ông NTT - phó giám đốc một bệnh viện ở Đồng Tháp chạy xe máy trên quốc lộ 30 theo hướng Hồng Ngự đi Cao Lãnh. Đến thị trấn Thanh Bình, xe ông T. va chạm với xe máy do Thiệu Minh Hùng điều khiển chở bạn chạy ngược chiều (Hùng cũng đã uống rượu).

Ngay khi tai nạn xảy ra, ông T., Hùng và bạn Hùng được người dân đưa đi cấp cứu. CSGT, công an huyện… cũng đến hiện trường nhưng không lập biên bản, lấy lời khai nhân chứng, chụp ảnh, đo vẽ hiện trường mà chỉ mang hai xe máy về vì… trời khuya, tối, mưa, hết sơn xịt làm dấu. Ngày hôm sau, lực lượng chức năng mới khám nghiệm hiện trường.

Trong quá trình điều trị, bạn của Hùng không may chết, còn ông T. và Hùng được xuất viện sau 10 ngày. Theo kết luận giám định, ông T. bị thương tật 37% vĩnh viễn. Hùng thì từ chối giám định thương tật và bị khởi tố, truy tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo điểm đ khoản 2 Điều 202 BLHS (gây hậu quả rất nghiêm trọng).

Hai lời khai bất nhất

Quá trình điều tra, Hùng và ông T. đều đổ lỗi cho nhau đã chạy lấn trái gây tai nạn.

Hùng khai tối đó cùng bạn đi uống rượu nhưng còn tỉnh táo nên chở bạn về. Ra khỏi quán nhậu khoảng 20 m, xe của Hùng còn đang chạy số 3 và đi trên phần đường bên phải thì xe ông T. chạy ngược chiều, không mở đèn, chao đảo lấn qua phần đường Hùng đang đi, đâm vào bên trái xe Hùng gây tai nạn...

Ông T. thì khai trước khi tai nạn xảy ra, ông chạy xe bên lề phải, có mở đèn và phát hiện phía trước có một xe máy chạy ngược chiều lấn sang vạch phân cách bên phần đường ông đang đi. Do trời tối, đường ướt, không tránh kịp nên xe đi ngược chiều lấn làn đường đâm vào xe ông gây tai nạn...

Ngoài hai lời khai trên, trong vụ án còn có hai luồng nhân chứng cũng khai trái ngược. Các nhân chứng phía ông T. khai khi tai nạn xảy ra, xe của ông T. ngã nằm sát lề đường hướng Hồng Ngự đi Cao Lãnh, xe của Hùng ngã gần vạch phân cách. Các nhân chứng không thấy ai di chuyển vị trí hai xe cho đến khi công an có mặt.

Một số nhân chứng khác lại khai xe của ông T. đi lấn sang phần đường Hùng đang đi. Sau tai nạn, xe của ông T. nằm cách vạch phân cách khoảng 50 cm, xe của Hùng nằm gần lề đường hướng Cao Lãnh đi Hồng Ngự. Các nhân chứng này đều khẳng định hiện trường đã bị ai đó di chuyển, vị trí hai xe đã bị thay đổi.

Quá nhiều thiếu sót

TAND tỉnh Đồng Tháp từng ba lần trả hồ sơ cho VKS tỉnh này yêu cầu điều tra lại nhưng VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố. Xử sơ thẩm hồi tháng 8-2011, TAND tỉnh đã phạt Hùng ba năm tù. Sau đó, Hùng và gia đình nạn nhân đã chết đều kháng cáo kêu oan cho Hùng.

Tại phiên phúc thẩm mới đây, đại diện VKS nhận định về mặt tố tụng, cơ quan điều tra đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong việc lập biên bản khám nghiệm hiện trường, đo vẽ sơ đồ, mời người chứng kiến tham gia khám nghiệm, xử lý vật chứng... Hệ quả là việc xác định điểm đụng cũng như dấu vết, vị trí tại hiện trường không chính xác. Về mặt nội dung, cấp sơ thẩm chỉ dựa vào lời khai để kết tội Hùng nhưng các lời khai lại quá bất nhất, không được làm rõ.

Theo tòa phúc thẩm, ngoài các vi phạm trên, tòa còn thấy trong hồ sơ của cơ quan điều tra hai cấp có hai văn bản phản ánh cùng một nội dung sự việc nhưng lại mâu thuẫn. Cụ thể, công an huyện trả lời báo đài rằng khi nhận tin báo tai nạn đã cử người xuống hiện trường tiến hành lập biên bản, khám nghiệm ngay. Trong khi đó, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh lại xác định lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường ngay khi tai nạn xảy ra nhưng do trời tối nên để đến sáng hôm sau mới tiến hành khám nghiệm.

Từ đó, tòa kết luận do hiện trường bị bỏ mặc qua đêm đến sáng hôm sau mới khám nghiệm, vẽ sơ đồ nên việc xác định dấu vết, vị trí, điểm đụng chưa có cơ sở chính xác. Cạnh đó, hai luồng nhân chứng khác nhau nhưng cấp sơ thẩm không làm rõ, chỉ dựa vào lời khai một phía để kết tội Hùng là chưa ổn. Vì thế, tòa đồng tình với đại diện VKS là hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Khó khắc phục sai sót!

Thái độ làm việc của cơ quan điều tra trong vụ này cần phải bị phê bình nghiêm khắc bởi các bước điều tra ban đầu có quá nhiều thiếu sót, trình tự thủ tục lại có nhiều vi phạm, các dấu vết và vị trí tại hiện trường chưa được đánh dấu, ghi nhận kịp thời, dẫn đến khó khăn trong việc xác định lỗi của người vi phạm. Việc tòa phúc thẩm hủy án để điều tra lại nhằm đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội là chính xác nhưng điều tôi e ngại là việc điều tra lại sẽ khó thực hiện được. Bởi lẽ vụ tai nạn xảy ra đã quá lâu, làm sao có thể phục hồi lại hiện trường khách quan như ban đầu. Đồng thời, tôi cho rằng nếu không thể nào xác định lỗi của ai gây ra tai nạn thì nên áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo để tránh làm oan.

Một kiểm sát viên cao cấp, Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm