Khiếu nại đất đai tăng do... cán bộ!

Cán bộ là đầy tớ, là công bộc của dân, phải có trách nhiệm gắn bó mật thiết với dân, có trách nhiệm giải quyết đầy đủ các khiếu nại của dân. Thế nhưng vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân nên nhiều công bộc cố tình làm sai, sách nhiễu, tiêu cực, vô cảm… dẫn đến khiếu kiện về đất đai không ngừng gia tăng.

Đó là những ý kiến được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu ra trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 7-11 về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.

Trục lợi, nhũng nhiễu, làm sai

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, từ năm 2003-2010, các cơ quan hành chính trong cả nước đã tiếp nhận 1,2 triệu đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong đó liên quan đến đất đai chiếm đến 70%. Qua xem xét giải quyết cho thấy số vụ khiếu nại đất đai đúng và có đúng có sai chiếm gần 50%. Cơ quan chức năng đã kiến nghị xử lý hành chính 6.650 người, chuyển cơ quan điều tra 380 vụ, 665 đối tượng.

“Nguyên nhân một phần của tình trạng trên là do sự thiếu gương mẫu, sa sút phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức trong giải quyết các vấn đề về đất đai” - báo cáo nhấn mạnh. Còn Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho rằng nếu các cán bộ thực thi công vụ công tâm, làm đúng với các quy định của pháp luật thì khiếu kiện về đất đai thời gian qua đã giảm đáng kể.

Khiếu nại đất đai tăng do... cán bộ! ảnh 1

Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho rằng các cán bộ thực thi công vụ công tâm thì khiếu kiện về đất đai sẽ giảm đáng kể. Ảnh: TTXVN

Đồng tình, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đề nghị phải làm rõ “một bộ phận không nhỏ” cán bộ vi phạm, trục lợi là ai, số lượng như thế nào. “Chúng ta thường sử dụng cụm từ “một bộ phận không nhỏ”. Vậy bộ phận đó chỉ có ở dưới cơ sở hay ở nhiều cấp, nhiều ngành? Bao nhiêu cán bộ, công chức đã bị xử lý, hình thức xử lý thế nào, đã nghiêm minh chưa, có trường hợp nào chưa xem xét, xử lý hoặc xử lý chưa thỏa đáng?” - ông Học đặt câu hỏi và cho rằng đây là vấn đề được cử tri rất quan tâm nên càng sớm công khai càng tốt.

ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) thì đề nghị loại bỏ những cán bộ đó ra khỏi bộ máy. ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cảnh báo: “Nếu chúng ta không chỉ đạo giải quyết kịp thời, triệt để tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, tác động tiêu cực vào niềm tin, tâm lý, hành động của một bộ phận cán bộ và nhân dân đối với chính quyền”. 

Trên chỉ đạo, dưới không nghe

Ngoài những nguyên nhân trên, nhiều ĐB còn cho rằng việc khiếu nại tố cáo đất đai nhiều còn do tình trạng trên bảo nhưng dưới không chấp hành. “Ngày 31-3-2006, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo về dự án Lai Vu (Hải Dương) là “tính toán lại diện tích đất dự án cụm công nghiệp tàu thủy Hải Dương, bảo đảm phù hợp để các hộ dân vẫn có đất để sản xuất”. Đây là một ý kiến chỉ đạo về xử lý vụ việc này sau khi kiểm tra, thanh tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, đến nay dân vẫn chưa có đất để sản xuất, còn dự án Lai Vu với nhiều hecta đất vẫn treo, để hoang” - ĐB Hà Công Long (Gia Lai) dẫn chứng.

Một nguyên nhân nữa được cũng được ông Long chỉ ra là việc ban hành các văn bản sai luật nhưng khi có kiến nghị lại không chịu sửa. Bằng chứng là ngày 20-4-2005, Ban Dân nguyện của Quốc hội đã kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát Nghị định 181 của Chính phủ vì có nội dung trái với Luật Khiếu nại, tố cáo. Đến năm 2008, tại báo cáo giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu sửa nhưng từ đó đến nay không thấy sửa.

“Quốc hội đã có ý kiến rồi nhưng không giải quyết và cứ nói đi nói lại mãi. Tôi nghĩ cần phải có một cơ chế hữu hiệu trong việc giám sát xử lý các văn bản trái pháp luật, đặc biệt những văn bản nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ” - ông Long nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long cho rằng cần phải giải quyết gốc rễ vấn đề là từ đội ngũ cán bộ, công chức.

Dân nên mời luật sư để đối thoại cùng  thanh tra

Thực hiện nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua Thanh tra Chính phủ đã làm việc tích cực. Tuy nhiên, quá trình giải quyết cũng có nhiều khó khăn, nhiều vụ việc kéo dài, phức tạp. Ngoài ra, ở nhiều nơi còn có tình trạng đùn đẩy, tránh né, gây bức xúc cho người đi khiếu nại và xã hội. Do đó, thời gian tới Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp chấm dứt khiếu nại. Cách làm là sẽ tổ chức đối thoại với người dân đi khiếu nại và công bố kết quả xử lý. Việc đối thoại sẽ diễn ra công khai và người dân được phép mời luật sư tham gia các buổi đối thoại. Đề nghị các ĐBQH cùng tham gia vào các hoạt động đó.

Tổng Thanh tra Chính phủ  HUỲNH PHONG TRANH

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm