Khi tìm hiểu về khó khăn trong quá trình tổ chức thi hành án (THA) hành chính, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo nhiều cơ quan THA dân sự nhưng thường không được hợp tác với lý do “tế nhị quá”. Tuy nhiên, một số chấp hành viên vẫn sẵn sàng chia sẻ thông tin với điều kiện không được nêu tên họ.
“Nhiều người nói án hành chính có vài hồ sơ, có phải làm gì đâu. Thực tế không phải vậy, chúng tôi mất rất nhiều thời gian với nó, phải đắn đo cân nhắc, cẩn thận từng ly từng tí một khi ra văn bản” - một chấp hành viên (đề nghị không nêu tên) kể.
“Mệt mỏi lắm!”
Một lần, phía cơ quan THA dân sự của chấp hành viên này bị một người từ ủy ban gọi điện thoại qua mắng vốn: “Chấp hành viên to quá ha, giờ triệu tập cả chủ tịch”. Bởi nguyên nhân là do theo đúng mẫu có sẵn, chấp hành viên phải ghi là “giấy triệu tập” người được THA và người phải THA đến làm việc. Sau đợt đó, cơ quan của anh rút kinh nghiệm, phải chỉnh sửa lại thành “giấy mời” mỗi khi cần mời đại diện ủy ban.
Mỗi lần liên hệ công việc, chấp hành viên thường không thể trực tiếp gặp chủ tịch ủy ban mà phải thông qua văn phòng, rồi văn phòng lại chuyển qua các phòng ban chuyên môn giải quyết. Có lần chấp hành viên liên hệ với một ủy ban cấp huyện để thi hành một bản án. Trong quá trình trao đổi công việc với ban giải phóng mặt bằng, để tránh việc đi lại không cần thiết, anh chủ động xin số điện thoại nhưng vị cán bộ ban giải phóng mặt bằng quyết từ chối, chỉ hứa sẽ sớm cung cấp thông tin. “Hai tuần nay tôi chờ mãi mà chưa thấy gì hết. Cùng là cơ quan nhà nước với nhau nhưng làm việc mệt mỏi lắm. Họ còn than phiền rằng sao phía THA cứ hối hoài vậy!” - chấp hành viên than thở.
Án hành chính phần lớn liên quan đến đất đai. Phía người dân thường khiếu kiện kéo dài nhiều năm trời nên rất bức xúc. Họ hiểu rằng theo quy định của pháp luật hiện hành, cơ quan THA dân sự chỉ có thể làm văn bản hỏi ủy ban đã thi hành xong bản án chưa chứ không thể cưỡng chế. Vậy nên gặp trường hợp thắng kiện mà ủy ban không chịu THA, người dân thường gửi đơn thư cầu cứu tới khắp các cơ quan, ban, ngành. Những cơ quan này lại làm phiếu chuyển về cơ quan THA dân sự và yêu cầu phải báo cáo. Mỗi lần như vậy, chấp hành viên lại phải làm văn bản tham mưu cho lãnh đạo đơn vị trả lời, mất rất nhiều thời gian.
Quyết liệt thì ngại, không quyết liệt lại bị phê bình
Nếu như ở loại án khác như án dân sự, chấp hành viên phải cất công đi xác minh tài sản, kê biên, thẩm định giá, lên phương án cưỡng chế… thì riêng với án hành chính, chấp hành viên không phải làm những công việc này. Đổi lại, chấp hành viên phải tiếp xúc với bên phải THA thường là cơ quan cấp cao hay những người có chức vụ, chưa kể nhiều trường hợp người phải THA lại chính là chủ tịch ủy ban - trưởng ban chỉ đạo THA địa phương nên áp lực và sức ép tâm lý rất lớn, khó khăn vô cùng.
“Nếu không hoàn thành nhiệm vụ, anh có bị sao không?” - chúng tôi hỏi. Vị chấp hành viên thật thà: “Nếu mình không quyết liệt thì khi đoàn kiểm tra, giám sát nào đó có thẩm quyền đến kiểm tra, họ sẽ chất vấn tại sao chấp hành viên không tác nghiệp, tại sao chấp hành viên không có biên bản làm việc với chủ tịch ủy ban. Rồi chưa kể chấp hành viên còn bị phê là có thái độ cả nể, ngại va chạm. Khổ vậy đó!”.
Một chấp hành viên khác cũng đang phải ôm mấy hồ sơ liên quan tới án hành chính. Theo dõi việc THA hành chính thì phải tham mưu cho lãnh đạo cơ quan THA dân sự ra văn bản nhắc ủy ban tự nguyện THA. “Nhưng nhiều khi tôi làm văn bản trình sếp ký, sếp còn phải cân nhắc tới lui. Chủ tịch ủy ban làm trưởng ban chỉ đạo THA thì mình đâu có dám nói ổng” - vị chấp hành viên này kể.
Không dám đề nghị chế tài
Hiện nay, trường hợp người phải THA chậm THA, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung án tuyên thì sẽ bị xử lý theo Điều 314 Luật Tố tụng hành chính 2015 và Nghị định số 71/2016 của Chính phủ (tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự).
Cũng theo Luật Tố tụng hành chính 2015, cơ quan THA dân sự chỉ có trách nhiệm thông báo cho người phải THA tự nguyện THA. Nếu người phải THA không tự nguyện thì sẽ có công văn gửi cơ quan THA cấp trên như Cục THA dân sự, Tổng cục THA dân sự để báo cáo chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc cho Thủ tướng.
Điều đáng nói là dù luật đã quy định rất rõ ràng như vậy nhưng trên thực tế, chưa thấy cơ quan THA dân sự nào kiến nghị xem xét trách nhiệm của chủ tịch ủy ban, dù tình trạng ủy ban chậm THA hoặc không THA vẫn xảy ra.
“Có 200.000 đồng thôi cũng đã đủ mệt!” Một chấp hành viên (đề nghị không nêu tên) cho biết khi tòa tuyên ủy ban thắng kiện, ủy ban sẽ được nhận lại 200.000 đồng tiền án phí. Việc THA này tưởng chừng rất nhẹ nhàng và đơn giản, thế nhưng thực tế chấp hành viên phải đi tới đi lui và dùng đủ mối quan hệ mới có thể khép được hồ sơ. Cụ thể, dù biết rõ số tài khoản của ủy ban nhưng chấp hành viên vẫn phải làm công văn đề nghị ủy ban cung cấp số tài khoản bằng văn bản, bởi nếu không có thì Kho bạc Nhà nước sẽ không chấp nhận. Chờ mãi không được ủy ban hồi âm, chấp hành viên đành vận dụng các mối quan hệ quen biết nhờ hối thúc phía ủy ban sớm ban hành văn bản. Đến khi chuyển được 200.000 đồng cho ủy ban thì cũng mất khoảng 2-3 tháng. “Vụ nào tìm được đầu mối ai đó đại diện theo ủy quyền cho phía ủy ban thì chấp hành viên khỏe hơn, chỉ cần gặp trực tiếp gửi trả lại tiền cho người đại diện là xong. Còn vụ nào không tìm được đại diện là đi tới đi lui như vậy đó” - vị chấp hành viên than thở. |