Khoảng 4 năm nữa hoàn thành toàn bộ đường Vành đai 3 TP.HCM

(PLO)- “Phấn đấu khởi công đường vành đai 3 vào tháng 6-2023, thông xe kỹ thuật toàn tuyến tháng 10-2025, hoàn thành toàn bộ dự án tháng 6-2026” - ông Trần Quang lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phát biểu trong cuộc họp Triển khai Kế hoạch thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 và công tác chuẩn bị dự án vành đai 4 TP.HCM với sự tham gia nhiều bộ ngành, ông Lâm đã thông tin chi tiết hơn về tiến độ đường vành đai 3.

Theo đó, kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện dự án đường vành đai này với 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, UBND TP.HCM cho biết dự kiến tháng 7 năm nay Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết triển khai chủ trương đầu tư dự án, giao kế hoạch vốn trung hạn hoàn thành tháng 12, phê duyệt chính sách bồi thường - hỗ trợ - tái định cư hoàn thành tháng 3-2023.

Sau đó, bàn giao mặt bằng từ tháng 10-2022 đến hết năm 2023, bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng; tháng 3-2024 bàn giao toàn bộ mặt bằng và giữa năm 2023 khởi công dự án, thi công hoàn thành toàn bộ dự án tháng 6-2026, quyết toán dự án hoàn thành năm 2027.

Ngoài ra, theo ông Lâm, TP cũng kiến nghị cho phép triển khai đồng thời các việc, song song thực hiện xây lắp, bồi thường triển khai ranh trước (hồ sơ sẽ cập nhật sau), triển khai đồng thời các thủ tục: khảo sát phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế… Cũng cần làm rõ vai trò của TP.HCM, thành lập hội đồng cố vấn, bao gồm các chuyên gia pháp lý, đấu thầu, chuyên môn. Đây cũng là điểm mới của dự án này.

Sở GTVT TP cũng lưu ý các vấn đề về kỹ thuật chung, khung tiêu chuẩn dự án, xử lý nền đất yếu, mỹ quan đô thị, vật liệu xây dựng…

Thứ trưởng Bộ GTVT, Lê Đình Thọ cho rằng cần có đầu mối rõ vì dự án có 8 dự án thành phần, 8 dự án mang tính chất độc lập tuân thủ quy định thì vai trò của các Sở GTVT, Giám đốc Sở GTVT phải vào cuộc và chịu trách nhiệm.

“Quan điểm của tôi, phải có đầu mối chịu trách nhiệm, làm đường thì giao thông phải chịu trách nhiệm và giám đốc Sở GTVT phải xắn tay vào” - ông Thọ nói.

Tổ chức triển khai song song một số công việc, ông Thọ lưu ý phải làm rõ triển khai song song cái gì, cần xây dựng kế hoạch, củng cố tổ chức, phân giao công việc cụ thể để triển khai. Các ban quản lý phải làm việc với tư vấn, thiếu lực lượng thì cho phép điều tiết quân thêm.

Các tỉnh thành ký kết kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện dự án vành đai 3. Ảnh: K.C

Các tỉnh thành ký kết kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện dự án vành đai 3. Ảnh: K.C

“Chúng ta phải tránh trường hợp tư vấn thay đổi, rút nhân sự… việc này là không được phép vì thời gian không cho phép chúng ta chậm. Tinh thần làm nhanh, chắc, đúng, chỉ định thầu thì phải có hồ sơ nhưng chấm thì chấm nhanh lên” - ông Thọ nói.

Giải phóng mặt bằng (GPMB) nên chia làm 3 giai đoạn, cái nào dễ làm giai đoạn đầu, các giai đoạn sau khó dần, hồ sơ tổng GPMB cũng là không thể thiếu được của dự án để có cơ sở thành lập hội đồng GPMB quận huyện làm ngay.

Về việc chỉ định thầu rút gọn, một số đại biểu của các bộ ngành cũng cho rằng cần cân nhắc và không nên áp dụng chỉ định thầu rút gọn.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, về các nội dung liên quan dự thảo nghị quyết Chính phủ về triển khai dự án này, UBND TP giao Sở GTVT phối hợp với các sở ngành tỉnh khác, tiếp thu,giải trình các ý kiến đóng góp.

"Về Kế hoạch phối hợp triển khai dự án, hôm nay chúng ta sẽ khởi động ký kế hoạch phối hợp giữa các địa phương, từng nhánh công việc cụ thể sẽ có các kế hoạch cụ thể. TP.HCM sẽ thể hiện rõ vai trò đầu mối, trách nhiệm của mình" - ông Mãi nói.

Về Vành đai 4, ông Mãi cho rằng tinh thần là khẩn trương, xong hồ sơ vành đai 3 thì chuẩn bị vành đai 4. Trong tháng 7, TP làm việc với các tỉnh, bàn bạc về các vấn đề lớn.

"Vành đai 4 đi qua 5 tỉnh thành, tỉnh nào cũng trên 10.000 tỉ đồng dẫn đến tỉnh nào cũng phải trình Quốc hội. Có tỉnh làm nhanh, làm chậm, có tỉnh trình trước trình sau, đây là vấn đề cần quan tâm bàn bạc giữa các địa phương" - ông Mãi nói.

Ông Lê Đình Thọ góp ý vành đai 4 nếu chuẩn bị tốt thì tính toán tiến độ trình Quốc hội, trình vào tháng 10 hay tháng 5 năm sau cần định rõ trình thời gian, sau đó mới tính đến tiến độ triển khai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm