Khoảng 420.000 ha lúa ĐBSCL xuống giống sớm né hạn mặn

Đó là khuyến cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) tại hội nghị sơ kết sản xuất vụ thu đông, mùa 2016 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2016-2017 tại Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được tổ chức ngày 5-10 tại Hậu Giang.

Quang cảnh hội nghị ngày 5-10 tại Hậu Giang.

Theo đó, vụ lúa đông xuân này, toàn vùng ĐBSCL có kế hoạch gieo sạ 1.549.660 ha, giảm gần 5.000 ha so với vụ lúa đông xuân năm ngoái, trong đó có khoảng 420.000 ha sẽ được gieo sạ sớm trong tháng 10-2016 và diện tích còn lại sẽ được gieo sạ trong những tháng kế tiếp và dứt điểm vào ngày 10-1-2017.

Ông Đặng Văn Dũng, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, cho biết: “Tình hình lũ thấp tại ĐBSCL năm 2016 nên khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ mùa khô 2016-2017 sẽ cao hơn, sớm hơn cùng kỳ nhiều năm. Do đó cần căn cứ vào thực tế sản xuất vừa qua để tính toán diện tích, thời vụ gieo trồng hợp lý nhằm hạn chế ảnh hưởng, thiệt hại do thiếu nước, xâm nhập mặn”.

Lúa chết khô do hạn, mặn mùa khô 2016 vừa qua tại ĐBSCL.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Hòa, Cục phó Cục Trồng trọt, dự báo nguồn nước cho sản xuất vụ đông xuân 2016-2017 sẽ gặp nhiều khó khăn như vụ đông xuân 2015-2016.

Diện tích có khả năng ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và hạn hán của các tỉnh ven biển là hơn 300.000 ha, chiếm hơn 35% diện tích xuống giống của vùng ven biển và chiếm hơn 21% diện tích xuống giống vụ đông xuân 2016-2017 toàn vùng ĐBSCL.

Do vậy, Cục Trồng trọt khuyến cáo việc xuống giống sớm trong tháng 10 sẽ tạo nhiều cơ hội tận dụng được nguồn nước cho sản xuất lúa và không bị hạn cuối vụ, nhất là đối với các tỉnh ven biển, những vùng đã bị thiệt hại do hạn, mặn trong năm ngoái.

Giải pháp gieo sạ sớm đối với vùng bị ảnh hưởng của hạn, mặn được xem là sự lựa chọn an toàn trong giai đoạn hiện nay, về lâu dài những vùng khó khăn này cần được chuyển sang cơ cấu hai lúa - một màu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm