Không cho kinh doanh trên vỉa hè dưới 1,5 m

“Vỉa hè dù rộng hay hẹp thì yếu tố tiên quyết vẫn phải luôn dành cho người đi bộ 1,5 m bề rộng vỉa hè”. Đó là một trong những điểm mới đáng lưu ý trong dự thảo văn bản thay thế Quyết định 74/2008 quy định về việc quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM.

Dự thảo vừa được Sở GTVT có tờ trình UBND TP.HCM xem xét, ban hành sau nhiều lần chỉnh sửa (trải qua sáu lần dự thảo và lấy ý kiến 44 tổ chức, 21 chuyên gia và nhận được văn bản góp ý của 30 cơ quan, đơn vị).

Nhiều quy định chặt chẽ hơn

Trong nội dung dự thảo, Sở GTVT nêu các giải pháp sử dụng vỉa hè tùy theo độ dài hiện hữu của vỉa hè. Cụ thể, đối với vỉa hè có chiều rộng dưới 1,5 m thì sẽ ưu tiên dành cho người đi bộ.

Đối với vỉa hè rộng từ 1,5 m đến dưới 3 m: Dành tối thiểu 1,5 m cho người đi bộ. Phần còn lại sử dụng vào các mục đích khác (xem box).

Đối với hè phố rộng từ 3 m đến trên 5 m, ít nhất dành 1,5 m cho người đi bộ. Phần còn lại, ngoài việc tổ chức các hoạt động khác thì còn được phép giữ xe hai bánh và ô tô có thu phí.

Như vậy, theo dự thảo, vỉa hè dù rộng hay hẹp thì yếu tố tiên quyết vẫn phải luôn dành cho người đi bộ 1,5 m bề rộng vỉa hè. Trong khi Quyết định 74/2008 chỉ yêu cầu trừ ít nhất 1 m cho người đi bộ.

Đối với phần lòng đường, dự thảo vẫn cho phép sử dụng một phần để tổ chức các sự kiện văn hóa-xã hội nếu thỏa điều kiện: Phần lòng đường còn lại dành cho các loại phương tiện có bề rộng tối thiểu đủ bố trí hai làn xe cho một chiều đi. Tuy nhiên, chỉ được tổ chức trông giữ xe hai bánh và ô tô có thu phí nếu phần lòng đường còn lại dành cho các phương tiện có bề rộng tối thiểu bố trí đủ hai làn xe cơ giới và một làn xe thô sơ cho một chiều đi.

Vỉa hè dù rộng hay hẹp vẫn phải luôn dành cho người đi bộ 1,5 m bề rộng vỉa hè. Ảnh: HTD

Tăng cường trách nhiệm của địa phương

Theo Sở GTVT, Quyết định 74 hiện nay đã có “tuổi thọ” tròn 10 năm. Sở này đánh giá sau 10 năm tổ chức thực hiện, quyết định này đã có nhiều chuyển biến tích cực trong chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố. Đến nay, một số nội dung trong quyết định này vẫn còn phù hợp thực tế. Tuy nhiên, qua rà soát tại các quận, huyện, sở này đã chỉ ra một số tồn tại khiến hiệu quả quản lý, sử dụng hè phố chưa cao.

Trong đó, đáng chú ý là quy định hiện nay chưa đề cập đến vai trò của các sở, ban, ngành có liên quan như Ban An toàn giao thông TP, Sở KH&ĐT, Sở TN&MT, sở Xây dựng, sở Công Thương. “Việc phân cấp cho Sở GTVT, UBND các quận, huyện và các tổ chức khác có liên quan về ban hành danh mục các tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố làm điểm đỗ xe, trông giữ xe có thu phí trên địa bàn TP chưa được đẩy mạnh. Hiện nay các danh mục này đang do UBND TP ban hành” - Sở GTVT cho biết.

Tại nhiều buổi tổng kết tình hình an toàn giao thông của Ban An toàn giao thông TP, vấn đề quản lý, sử dụng vỉa hè luôn được đặt ra. Một trong những nguyên nhân của tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường được cho là do người đứng đầu các địa phương chưa thật sự quan tâm đúng mức. Nhiều lần lãnh đạo TP cho rằng phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương nơi để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Tuy nhiên, hiện nay biện pháp chủ yếu chỉ là nhắc nhở, chưa có ai bị một hình thức kỷ luật nào.

Các hoạt động sử dụng lòng đường, hè phố có thu phí:

- Tổ chức hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội (lòng đường và hè phố).

- Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải phục vụ thi công xây dựng, sửa chữa công trình.

- Điểm đỗ xe, trông giữ xe có thu phí (lòng đường và hè phố).

- Điểm hoạt động phục vụ việc kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa.

- Điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị (lòng đường và hè phố).

- Xây dựng, lắp đặt các công trình bên trên hè phố.

Trích dự thảo văn bản thay thế
Quyết định 74/2008 của UBND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm