Không dám về quê vì thiếu tiền lì xì

Không dám về quê vì thiếu tiền lì xì ảnh 1

Tiền lì xì cho trẻ con vào dịp Tết đã trở thành nỗi lo lắng của nhiều người. (Ảnh minh họa)

Liu đã làm việc tại Bắc Kinh được hơn nửa năm và kiếm được 2.000 NDT (317 USD)/tháng. "Số tiền mà tôi dành dụm trong suốt 6 tháng qua không đủ để mừng tuổi, một trong những nghĩa vụ mà tôi phải hoàn thành trong dịp Tết"-Liu nói.

Tiền mừng tuổi (hồng bao) là những tờ tiền giấy bỏ trong phong bao màu đỏ, dùng để tặng cho trẻ con hoặc người già trong gia đình vào dịp Tết, năm nay bắt đầu từ ngày 23 tháng Một dương lịch, như một món quà may mắn đầu năm. Mỗi em nhỏ sẽ được lì xì khoảng 100-1.000 NDT.

Đối với những người có nhiều người thân, họ hàng như Liu Rubin thì hồng bao, một truyền thống tốt đẹp trong năm mới, đã biến thành một nỗi ám ảnh vô cùng đáng sợ.

Xiao Fang, một giáo sư về văn hóa dân gian Trung Quốc tại Đại học Bắc Kinh cho biết người Trung Quốc bắt đầu dùng tiền mặt để thay thế cho những chiếc đĩa kim loại có ghi chữ "may mắn" từ thời nhà Tống (960-1279).

"Hồng bao được cho là một cách để thể hiện tình yêu và sự quan tâm đối với những người trẻ tuổi. Nhưng bây giờ ý nghĩa của tục lệ này lại thiên về số tiền bên trong đó."

Xa xưa, các bậc cha mẹ thường tặng một xâu tiền xu, tượng trưng cho tuổi thọ, cho con cái vào đêm Giao thừa. Từ thế kỷ 19 trở đi, mọi người bắt đầu dùng tiền để trong phong bao đỏ hay con gọi là hồng bao như biểu tượng của may mắn và hạnh phúc.

Khi nhận được hồng bao, trẻ con phải tỏ ra là không muốn nhận quà và tìm cách từ chối nhiều lần trước khi nhận, như một cách thể hiện sự giáo dục tốt. Sau khi nhận quà, trẻ con cũng nên có những câu chúc như "phát tài", "may mắn" dành cho người tặng.

Trước đây, tiền mừng tuổi thường là 6 hoặc 8 nhân dân tệ, những con số được coi là may mắn trong văn hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày nay, con số này đã tăng lên tới hàng ngàn.

"Khi tôi con nhỏ, tôi thường chỉ nhận được dưới 10 NDT nhưng bây giờ số tiền mà con trai tôi nhận được có thể lên tới 100-1.000 NDT"-Zhang Qiulin, bố của cậu bé 5 tuổi nói.

Nhiều người thậm chí còn coi tiền mừng tuổi như một cách tăng cường các mối quan hệ xã hội và dường như hồng bao là dành cho cha mẹ chứ không phải cho con cái, giáo sư Xiao Fang nói.

"Hồng bao đã không được sử dụng theo đúng nghĩa của nó. Là phụ huynh của người nhận, tôi phải lì xì lại bằng số tiền đó. Là người mừng trước thì tôi phải xem xét thật cẩn thận để không gây áp lực hoặc xấu hổ lên (cha mẹ) của người nhận-Zhang Qiulin nói.

Tiền mừng tuổi cũng là một gánh nặng đối với nhiều người già, đặc biệt là những người có con đàn cháu đống, Xiao nói.

"Tôi thường mừng 500 NDT cho mỗi đứa cháu của mình. Tôi không thể cho quá nhiều với số tiền lương hưu ít ỏi. Ở tuổi này, tôi nghĩ đã tới lúc phải sống dựa vào con cái"-Xu Jingjie, một cán bộ nghỉ hưu tại Bắc Kinh nói.

Còn đối với Liu Rubin, truyền thống lại trở thành một nghĩa vụ khó tránh.

"Tiền mừng tuổi là một gánh nặng"-Liu nói. "Tôi đã được nhận lì xì nhiều hơn mong đợi khi còn là một đứa trẻ và bây giờ đã đến lúc tôi phải trả lại".

Theo Sầm Hoa (VNN / China Daily)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm