Trong tuần qua, những bài viết trên báo Pháp Luật TP.HCM như “Quyết liệt khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế”, “Phó Thủ tướng yêu cầu không để thiếu thuốc, trang thiết bị y tế” nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.
Nhiều bạn đọc đề nghị các cơ quan chức năng nên sớm khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh (KCB).
Trước tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế ở một số cơ sở y tế thời gian qua. Các địa phương, cơ sở y tế đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai mua sắm, đấu thầu.
|
Người dân đến khám chữa bệnh tại BV quận Phú Nhuận. Ảnh: NGUYỄN HIỀN |
Để tháo gỡ một phần khó khăn, trong sáu tháng đầu năm 2022, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành cho 963 thuốc. Công bố danh mục 6.251 thuốc có giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực trước ngày 30-6-2022 và được kéo dài hiệu lực đến ngày 31-12-2022…. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ phối hợp, làm việc với các bộ, ngành liên quan để phối hợp điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ vướng mắc.
Mua thuốc bên ngoài vì bệnh viện hết thuốc
Bà NP ở quận 6, TP.HCM cho biết bà có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) tại một bệnh viện (BV) ở TP.HCM với mức hưởng 95% chi phí điều trị. Bà thường xuyên đến BV này để KCB và được BV cấp thuốc BHYT đầy đủ.
Tháng 2-2022, bà có triệu chứng mệt mỏi kéo dài, mất ngủ thường xuyên nên bà đã vào BV khám và được chẩn đoán rối loạn lo âu.
Bà cho biết sau khi khám xong, bác sĩ chỉ định bà phải uống thuốc liên tục trong vòng sáu tháng và kê toa thuốc một tháng tái khám. Ở lần điều trị đầu tiên, bà được cấp thuốc và chi phí KCB được BHYT chi trả 95%, bà chỉ cần đóng 5%.
Sau một tháng uống thuốc, các triệu chứng có căn bệnh rối loạn lo âu vẫn còn nên bác sĩ chỉ định tiếp tục uống thuốc. Tuy nhiên, lần tái khám này và những lần tiếp theo, BV thiếu thuốc nên có hướng dẫn bà ra bên ngoài mua. Thế nhưng, loại thuốc chỉ định điều trị triệu chứng bệnh có giá hơn 400.000 đồng/hộp, số tiền này không nhỏ đối với gia đình bà.
Cùng cảnh ngộ, ông ĐH ở TP Thủ Đức cũng cho biết ông bị huyết áp, tim mạch vì thế tháng nào cũng phải đi tái khám tại một BV ở TP Thủ Đức. Ba tháng gần đây khi đi khám lần nào ông cũng phải mua thuốc bên ngoài vì BV hết thuốc.
“Việc BV thiếu thuốc ảnh hưởng rất lớn đến người bệnh. Đối với những bệnh nhân bình thường, khi được kê toa phải đến nhiều nhà thuốc bên ngoài để mua và có khi mua thuốc không cùng loại lại lo lắng. Những bệnh nhân có thẻ BHYT thì việc BV thiếu thuốc ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của họ. Bởi người bệnh phải bỏ tiền tham gia BHYT nhưng khi KCB lại không được cấp thuốc mà phải bỏ tiền ra mua” - ông H chia sẻ.
Các cơ quan chức năng cần khắc phục sớm tình trạng thiếu thuốc để quyền lợi của người dân không bị ảnh hưởng.
Phải sớm khắc phục tình trạng thiếu thuốc
Trước tình trạng thiếu thuốc tại một số cơ sở KCB, nhiều bạn đọc rất mong các cơ quan sớm khắc phục để quyền lợi của người dân được đảm bảo.
“Thiếu thuốc men, trang thiết bị y tế thì phải mua sắm để phục vụ người bệnh, miễn là phải mua sắm theo đúng quy trình, quy định. Cứ làm đúng trách nhiệm, đúng thẩm quyền của mình thì không phải sợ” - bạn đọc Lê Thi Cẩm.
“Nhiều cán bộ than phiền những quy định về pháp lý còn chồng chéo không rõ ràng nên khi làm sợ sai chỗ này chỗ kia. Đặc biệt từ sau vụ Việt Á thì nhiều cơ sở lo ngại hơn, điều này cũng dễ hiểu. Trong các cuộc họp, lãnh đạo ngành y tế đã nêu rõ quan điểm là sẽ phối hợp với các ban ngành để có hướng dẫn cụ thể. Mong rằng trong thời gian tới với sự quyết liệt của các cấp thì tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở KCB sẽ được khắc phục” - bạn đọc Thúy Hạnh.
“Ngành BHXH, ngành y tế luôn khuyến khích, vận động, kêu gọi người dân tham gia BHYT để bảo vệ sức khỏe cho mình và chia sẻ gánh nặng cho người khác. Thế nhưng lại không quan tâm đến quyền lợi của người tham gia BHYT. Trong khi đó, một số BV tư nhân có đủ thuốc còn BV công lại thiếu. Việc thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế không phải mới xảy ra gần đây mà đã xảy ra từ những năm trước. Vì thế, các cơ quan chức năng cần khắc phục sớm tình trạng thiếu thuốc để quyền lợi của người dân không bị ảnh hưởng” - bạn đọc Nguyễn Thanh Trần.•
Cơ quan BHXH đề nghị bệnh viện đảm bảo thuốc cho bệnh nhân BHYT
Tình trạng thiếu thuốc BHYT khiến người dân phải mua thuốc bên ngoài, lỗi là do cơ sở y tế không cung ứng đủ thuốc.
Tuy nhiên, hiện nay luật không quy định cơ quan BHXH thanh toán lại tiền thuốc cho bệnh nhân mua thuốc BHYT bên ngoài do BV thiếu thuốc.
Vừa qua, BHXH Việt Nam đã có văn bản gửi BHXH các tỉnh, thành và BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH công an nhân dân yêu cầu đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế phục vụ KCB BHYT.
Công văn nêu rõ qua công tác theo dõi của BHXH Việt Nam và phản ánh của người bệnh, tại một số cơ sở KCB BHYT xảy ra tình trạng không cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ người bệnh. Đặc biệt là các thuốc thiết yếu trong danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.
Để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh đã tham gia BHYT, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các đơn vị trên theo dõi tiến độ đấu thầu thuốc của từng gói thầu tập trung, đấu thầu bổ sung tại Sở Y tế, các cơ sở KCB để kịp thời có ý kiến, tránh tình trạng chậm đấu thầu dẫn đến thiếu thuốc phục vụ điều trị và phát sinh việc mua sắm thuốc không đúng quy định của pháp luật.
BHXH TP.HCM