Không được vừa đá bóng vừa thổi còi

Mở cửa cho doanh nghiệp làm bóng đá nằm trong chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước. Đó là hướng đi đúng vì Nhà nước không thể và không nên “ôm” tất cả. Vậy thì sao bóng đá (và cả nhiều ngành hoạt động khác) vẫn “lình xình”, thậm chí có lúc “bê bối”! Phải chăng vì chủ trương đúng đắn và cần thiết đó chỉ được thực hiện nửa vời và việc xã hội hóa chỉ làm một nửa?

Chia sẻ phần trách nhiệm, phần nghĩa vụ đóng góp cho xã hội (cụ thể ở đây là các doanh nghiệp) mà không chia sẻ đầy đủ phần quyền quản lý, điều hành cho các thành phần xã hội tham gia công việc của LĐBĐ VN thì cũng như không.

Tôi từng làm chủ tịch Liên đoàn Thể dục Việt Nam trong nhiều năm. Lúc đầu tôi cũng hăng hái rồi “mỏi mệt” dần vì ngày càng nhận thấy rằng mọi việc quan trọng đều do cơ quan quản lý nhà nước hay người của cơ quan quản lý nhà nước nắm giữ. Và đối với người ngoài ngành thể thao chức danh dù cao chăng nữa cũng chỉ là “hữu danh vô thực”.

Vì đã “qua cầu” nên tôi rất hiểu và thông cảm với các doanh nghiệp làm bóng đá Việt Nam hiện nay.

Một nhà lý luận kinh điển từng nói: “Không có chủ trương là điều tệ hại nhưng thực hiện chủ trương nửa vời lại càng tệ hại hơn”.

Hướng đi đúng đắn của bóng đá Việt Nam chỉ có thể là tiếp tục thực hiện đến nơi đến chốn chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nghĩa là xã hội hóa thực sự, trao cả nghĩa vụ lẫn quyền tự quyết cho các thành phần xã hội tham gia làm bóng đá. Và cơ quan quản lý nhà nước chỉ làm trọng tài chứ không làm cầu thủ. Không được vừa đá bóng vừa thổi còi.

Làm như vậy thì chắc chắn những người có trách nhiệm với bóng đá Việt Nam sẽ không còn phải lo ngại doanh nghiệp quay lưng với bóng đá.

PHẠM KHẮC LÃM, nguyên Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thể dục Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm