Không miễn trừ cho thẩm phán xử oan!

Thẩm phán VŨ PHI LONG, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM:

Không thể miễn trừ

Không miễn trừ cho thẩm phán xử oan! ảnh 1
Với quy định tố tụng hình sự hiện nay, thẩm phán có rất nhiều quyền hạn, căn cứ để xét xử đúng người, đúng tội. Nếu vì một lý do nào đó như áp lực về thời hạn tố tụng, thiếu bản lĩnh nghề nghiệp, nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ không toàn diện, không đảm bảo các nguyên tắc về tranh tụng dân chủ, công khai… mà xử oan người vô tội thì thẩm phán phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, không thể được miễn trừ trách nhiệm, dù đó là lỗi vô ý.

Người thẩm phán nói riêng cũng như HĐXX nói chung hoàn toàn có thể xét thấu đáo và giải oan cho bị cáo. Công việc này có thể khó khăn nhưng nó là bản lĩnh của người xét xử dù trước đó điều tra viên, kiểm sát viên có sai sót hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ. Bởi lẽ luật đã giao cho thẩm phán rất nhiều quyền: Quyền xét xử, quyền đánh giá, phân tích chứng cứ, quyền lắng nghe ý kiến của các bên buộc - gỡ tội… và quyền ra quyết định cuối cùng. Với những quyền ấy, thẩm phán khi xét xử không thể phụ thuộc toàn bộ hồ sơ và kết quả điều tra của CQĐT, VKS. Nếu chỉ dựa vào đó để xét xử thì vai trò và quyền hạn của tòa ở đâu?

Đối với trường hợp cố ý làm sai lệch vụ án qua các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử làm oan người vô tội (kể cả trường hợp cố ý bỏ lọt tội phạm) thì đã có nhiều điều luật trong BLHS điều chỉnh. Cụ thể Chương XII quy định về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp như tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, tội ra bản án trái pháp luật, tội làm sai lệch hồ sơ vụ án...

Theo tôi, để giảm bớt án oan thì không nên miễn trừ trách nhiệm cho thẩm phán, hội thẩm mà ngược lại, càng quy định trách nhiệm chặt chẽ khi xét xử thì càng nâng cao bản lĩnh, trình độ, năng lực độc lập, chỉ tuân theo pháp luật của thẩm phán, hội thẩm.

Không miễn trừ cho thẩm phán xử oan! ảnh 2

Để giảm án oan thì không nên miễn trừ trách nhiệm cho thẩm phán. Trong ảnh: Anh Nguyễn Minh Sang, người mới được TAND huyện Châu Thành (Tiền Giang) bồi thường oan hơn 95 triệu đồng. Ảnh: T.TÙNG

TS PHAN ANH TUẤN, Trường ĐH Luật TP.HCM:

Không công bằng

Không miễn trừ cho thẩm phán xử oan! ảnh 3
Miễn trừ trách nhiệm cho thẩm phán, hội thẩm khi xét xử, trừ trường hợp cố ý vi phạm sẽ không đảm bảo sự công bằng với các chủ thể tiến hành tố tụng khác (điều tra viên, kiểm sát viên…) và với các cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ.

Theo BLHS, các chủ thể tiến hành tố tụng nếu cố ý vi phạm quy định pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự sẽ bị xử lý về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp (tội ra bản án trái pháp luật, tội làm sai lệch hồ sơ vụ án…). Nếu họ có lỗi vô ý thì tùy trường hợp có thể bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước…

Tất cả chủ thể tiến hành tố tụng hình sự đều bình đẳng như nhau nếu làm oan người vô tội nên không có lý gì mà thẩm phán, hội thẩm được miễn trách nhiệm hình sự khi vô ý làm oan, còn điều tra viên, kiểm sát viên… thì không. Cạnh đó, nếu miễn trừ trách nhiệm hình sự cho thẩm phán, hội thẩm thì sẽ không công bằng đối với toàn bộ cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước. Bởi pháp luật hiện hành không có quy định nào cho phép cán bộ, công chức được miễn trách nhiệm hình sự khi vô ý gây thiệt hại trong khi thi hành công vụ cả.

Như vậy, nếu quy định riêng về miễn trách nhiệm hình sự cho thẩm phán, hội thẩm (tương tự là trách nhiệm kỷ luật, bồi thường) thì sẽ vi phạm nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Mặt khác, thẩm phán, hội thẩm được miễn bồi thường thiệt hại (ở đây là nghĩa vụ hoàn trả ngân sách khoản tiền Nhà nước bồi thường cho người bị oan) thì tòa án quản lý họ phải bồi thường. Suy cho cùng đó cũng là tiền người dân đóng thuế. Thật không công bằng khi anh gây ra thiệt hại nhưng lại bắt người khác bồi thường.

Ngoài ra thẩm phán, hội thẩm dễ ỷ lại, thiếu cẩn trọng, càng dễ làm oan hơn. Điều này đi ngược với tinh thần bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013.

Chưa phù hợp

Không miễn trừ cho thẩm phán xử oan! ảnh 4
Mô hình tố tụng của chúng ta nặng về xét hỏi hơn tranh tụng nên gần như là án tại hồ sơ. Nhiều vụ, việc xét xử giống như là công khai những gì đã có trong hồ sơ. Luật sư hoặc những người tham gia tố tụng muốn nói gì thì nói, không làm ảnh hưởng đến kết quả xét xử. Nhiều phiên tòa luật sư tranh luận cho đã nhưng khi tuyên án, tòa không ghi ý kiến của luật sư hoặc có thì cũng chỉ mang tính qua loa, chiếu lệ.

Nếu miễn trừ trách nhiệm cho thẩm phán chẳng khác nào chúng ta vô tình tiếp tay cho sự quan liêu, ỷ lại. Cả hệ thống chính trị của chúng ta đang ra sức cải cách nền tư pháp, nâng chất tranh tụng và lấy kết quả tranh tụng tại phiên tòa làm cơ sở tuyên án, nay nếu miễn trách nhiệm cho thẩm phán gây oan do lỗi vô ý thì thẩm phán có “gậy chống” nên việc hạn chế án oan là không thể.

Trước việc có thẩm phán làm oan bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, dù không công khai nhưng nhận thức trong giới thẩm phán đã có chuyển biến. Nhiều thẩm phán phải cẩn trọng hơn rất nhiều, thậm chí khi chứng cứ kết tội không đủ, mâu thuẫn, trả hồ sơ hai lần mà VKS vẫn giữ nguyên quan điểm ban đầu thì họ đã mạnh dạn tuyên bị cáo vô tội.

Tóm lại, ở một số nước có thể quy định việc miễn trừ trách nhiệm đối với thẩm phán, hội thẩm có lỗi vô ý nhưng với tình hình nước ta hiện nay là chưa phù hợp.

Luật sư LÊ VĂN HOAN, Trưởng Văn phòng luật sư Lê Văn

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm