Thông tin Trung Quốc sắp đủ 50 năm để chiếm hữu các đảo chiếm đóng bất hợp pháp:

Không thể có chuyện đó!

 Bài báo trên tờ Wall Street Journal của Mỹ từng đặt câu hỏi “Vì sao Trung Quốc cố tình khiêu khích Mỹ và các nước châu Á láng giềng” với hình ảnh là tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm - Ảnh chụp lại từ màn hình

Xung quanh vấn đề Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp một số đảo của Việt Nam, những ngày qua trên mạng Internet có ý kiến cho rằng: “Theo luật quốc tế, nếu có tranh chấp lãnh thổ mà giữa các kháng nghị có một khoảng gián đoạn 50 năm hoặc nhiều hơn thì những đòi hỏi lãnh thổ trở nên vô hiệu. Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm 40 năm rồi. Từ đó đến nay Việt Nam chưa gửi bất kỳ kháng nghị, đơn kiện nào lên tòa án công lý quốc tế hoặc tòa án quốc tế về luật biển. Việt Nam chỉ còn 10 năm nữa, nếu không có bất kỳ kháng nghị hay đơn kiện nào thì theo luật biển quốc tế coi như Việt Nam chấp nhận mất Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa vĩnh viễn về tay Trung Quốc...”.

Tôi khẳng định những nhận định trên là không đúng với các quy định của Hiến chương Liên Hiệp Quốc (LHQ) và nghị quyết 2625 của Đại hội đồng LHQ ngày 24-10-1970. Cụ thể, nghị quyết 2625 quy định rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương LHQ. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu từ một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe dọa hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”. Bên cạnh đó, tại khoản 4 điều 2 Hiến chương LHQ cũng quy định: “Các nước thành viên LHQ trong quan hệ quốc tế không được đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, hoặc nhằm những mục đích khác không phù hợp với mục đích của LHQ”.

Do đó, việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng một số đảo của Việt Nam vào năm 1974 và sau này là hành động chiếm đóng bất hợp pháp, đi ngược với Hiến chương LHQ và nghị quyết 2625 của Đại hội đồng LHQ. Chính vì việc chiếm đóng này là bất hợp pháp nên dù Trung Quốc có chiếm đóng tới 100 năm nữa thì việc chiếm đóng đó sẽ không được xem là căn cứ để Trung Quốc xác lập chủ quyền đối với các đảo đó.

Trong khi đó, với những bằng chứng lịch sử và pháp lý mà Việt Nam đang có hiện nay, chúng ta hoàn toàn có quyền khẳng định Việt Nam là quốc gia đầu tiên phát hiện và xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa một cách hòa bình, liên tục từ thế kỷ 17, phù hợp với nguyên tắc phát hiện và chiếm hữu thực chất - nguyên tắc quan trọng nhất trong việc xác định chủ quyền của quốc gia đối với lãnh thổ được luật pháp quốc tế công nhận. Điển hình là việc chúa Nguyễn lập “đội Hoàng Sa”, “đội Bắc Hải” để khai thác tài nguyên và bảo vệ quần đảo Hoàng Sa đã được ghi nhận trong các tài liệu lịch sử như Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá Công Đạo (1686), Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn(1776)... Đồng thời, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Paracel - Hoàng Sa cũng được thừa nhận trong nhiều tài liệu của nước ngoài như Hải ngoại ký sự (1696) của Thích Đại Sán, Nhật ký Batavia (1631-1636) của Công ty Ấn Độ - Hà Lan, An Nam đại quốc họa đồ (1838) của Taberd. Đặc biệt là Bộ Atlas của nhà địa lý học Philippe Vandermaelen (1795-1869) xuất bản năm 1827 tại Bruxelles đã ghi nhận Paracel - Hoàng Sa thuộc chủ quyền của đế chế An Nam (Empire d’An-nam)...

Và khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam thì phía Việt Nam đã có sự chống trả quyết liệt và đã phát hành các công hàm ngoại giao phản đối hành vi chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc. Việt Nam chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền của mình đối với các đảo do Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp.

Theo LS NGUYỄN VĂN HẬU (phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM)-TTO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm