Kịch cũ gây cú sốc mới

“Tôi muốn dựng lại Chuyện bây giờ mới kể từ lâu rồi, bởi đơn giản vì nó là một vở kịch hay. Nhưng nhiều lần mời đạo diễn Minh Hải dựng lại mà anh vẫn không thu xếp được nên tôi đã tự dựng” - NSƯT Thành Hội, đạo diễn Chuyện bây giờ mới kể lần này, nói.

Bứt phá trên vở cũ

. Phóng viên: diễn viên chính trong vở diễn Chuyện bây giờ mới kể năm xưa, nay lại đóng vai trò là người dàn dựng, đối với anh là thuận lợi hay khó khăn?

+ NSƯT Thành Hội: Khó khăn chủ yếu của tôi là phải vừa dựng vừa diễn. Tôi có thói quen đã dựng vở là không tham gia làm diễn viên trong đó nữa. Riêng ở Chuyện bây giờ mới kể, tôi không tìm ra ai thích hợp để giao vai Năm Biền, mà vai đó mình đóng khán giả thấy cũng được nên tôi phá lệ. Lúc đầu, tôi sợ vở mới lần này sẽ bị vướng cái cũ nhưng bắt tay vô làm rồi thì không khó nữa. Khi mình đã bỏ vô vở những tình huống mới, hành động mới, tự động vở diễn sẽ khác đi. Diễn viên mới cũng diễn khác diễn viên cũ. Chẳng hạn, Ái Như không diễn giống Kim Cúc đóng vai Út Trâm nên đường dây vở diễn, sắc thái vở càng khác.

. Vậy cái mới nhất ở bản dựng lần này là gì để thoát khỏi cái bóng không nhỏ của vở diễn cũ, thưa anh?

+ Ở bản dựng cũ, vở kịch chỉ nhấn mạnh số phận của hai nhân vật Út Trâm và Năm Biền. Ở bản dựng lần này, tôi làm đầy số phận tất cả các nhân vật. Tôi thêm vào nhiều cảnh Út Trâm và Trần Thuyên, Sáu Liên và Trần Thuyên khi trẻ, cảnh các sinh viên ở trường đại học, làm khác đi cảnh Út Trâm - Trần Thuyên - Sáu Liên đối mặt... Tôi quan niệm một vở diễn hay thì tất cả nhân vật đều phải hay. Đặc biệt, ở tuyến nhân vật đối trọng nhau thì đất diễn, chuyện kịch của hai bên phải có độ dày tương ứng. Nếu ta sử dụng kiếm báu mà đối phương cầm cây củi thì đâu có gì hay. Tôi tăng đất diễn, tăng kịch cho nhân vật phản diện Trần Thuyên trong sự đối trọng với Út Trâm, Năm Biền và Sáu Liên.

Kịch cũ gây cú sốc mới ảnh 1

Mối tình cay đắng và dở dang của Út Trâm (NS Ái Như) và Năm Biền (NSƯT Thành Hội) lay động cảm xúc khán giả.

Sự dối trá tàn khốc hơn chiến tranh

. Tác giả kịch bản Lâm Quang Tèo bảo rằng cảm thấy buồn vì ở bản dựng lần này, sắc thái chính luận của vở kịch, tính phê phán thái độ sống cơ hội, phản bội nhân dân ở một bộ phận cán bộ cấp cao không còn như bản gốc. Anh nói gì về điều này?

+ Tác giả có quyền nghĩ như vậy vì kịch bản là con của họ. Nhưng đạo diễn cũng có quyền nhìn kịch bản dưới lăng kính khác. Hơn nữa, một tác phẩm sân khấu ra đời là một sự sáng tạo tới ba lần thông qua tư tưởng chủ quan của tác giả, bàn tay dàn dựng của đạo diễn và cảm nhận riêng của khán giả. Chỉ một kịch bản Romeo và Juliet thôi mà trên thế giới đã có hàng trăm bản dựng khác nhau với hàng trăm cách nhìn, cách thể hiện khác nhau. Chuyện khác nhau giữa cách nghĩ của tác giả và đạo diễn là rất bình thường.

. Anh nghĩ gì về ý kiến một vở kịch mang màu sắc chính luận lần này bị anh biến hóa thành vở kịch mang màu sắc tâm lý xã hội nên làm giảm giá trị vốn có của nó? Và anh có ngại sự so sánh giữa bản dựng cũ và bản dựng mới?

+ Vậy cái giá trị người ta muốn nói đến đó được định giá ra sao, ai đứng ra định giá, thị trường chứng khoán định giá chăng? Một viên kim cương phải cắt nhiều góc, nhiều mặt mới tỏa sáng hết vẻ đẹp. Như ở Truyện Kiều, bạn thấy tội nghiệp cho Thúy Kiều với cảnh ngộ đáng thương nhưng người khác lại thấy thông cảm cho Hoạn Thư bị chồng phụ bạc, chịu cảnh tủi hờn… Có nhiều góc nhìn như vậy Truyện Kiều càng có giá trị, càng hay hơn. Tôi không ngại sự so sánh nhưng nó phải là sự so sánh trung thực. Đem một cái trong trí nhớ hơn 20 năm về trước so sánh với cái đang diễn ra hôm nay trong thực tế có chính xác, có công bằng không? Nếu bạn xem vở diễn này tối nay, tối mai xem vở diễn khác thì đó mới là sự so sánh công bằng.

Nói về tính phê phán của vở ở thời điểm hiện nay so với thời điểm vở mới xuất hiện thì người ta đã nói rất nhiều, rất cụ thể, rất ghê gớm, cứ mở báo ra là thấy, mở mạng lên là gặp. Cho nên không hẳn cứ để một tác phẩm nghệ thuật mang vác hoài tính phê phán nặng nề, mà hãy để nó kể câu chuyện theo một giọng điệu khác, với một hồn vía khác.

. Anh muốn kể với khán giả điều gì ở Chuyện bây giờ mới kể hôm nay?

+ Chúng tôi muốn nói rằng con người luôn gục ngã vì sự dối trá triền miên của người đời. Chỉ có tình yêu thương thực sự mới có thể giúp ta đứng lên để làm lại cuộc đời từ mọi hoạn nạn, kể cả thù hận... Và dù trong cuộc đời mình có gặp phải điều gì cũng đừng dối trá, bởi sự dối trá còn tàn khốc với con người hơn sự tàn khốc của những cuộc chiến tranh đẫm máu.

. Xin cảm ơn anh.

Từng khiến nhiều chính khách chú ý

Hơn 24 năm trước vở kịch Chuyện bây giờ mới kể (tác giả: Lâm Quang Tèo; đạo diễn: Minh Hải; diễn viên: Thành Hội, Kim Cúc, Tấn Thành, Minh Phượng, Hồng Vân…) của Sân khấu nhỏ 5B công diễn đã nổ ra một quả bom trong dư luận xã hội bởi tính phê phán mạnh mẽ, dám đề cập đến lối sống thấp hèn của một quan chức cấp trung ương. Khi ra mắt lần đầu tiên, vở kịch từng đón tiếp những vị khách đặc biệt đến xem như Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nữ tướng Nguyễn Thị Định, tướng Trần Văn Trà, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin Trần Đình Quang...

HÒA BÌNH thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm