Kiến nghị xử lý việc cơ quan, tổ chức 'xin' DN đóng góp

Báo cáo của Văn phòng Chính phủ (VPCP) cho hay Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính mới đây là kiến nghị một số biện pháp cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, trong đó có kiến nghị tiếp tục cắt, giảm, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh.

Bởi theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, chi phí cho việc thực hiện thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành và tuân thủ các điều kiện kinh doanh là rất lớn. Mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 28,6 triệu ngày công và 14,3 ngàn tỉ đồng để thực hiện các quy định, thủ tục về kiểm tra chuyên ngành.

Hội đồng cũng đề nghị tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa những thủ tục hành chính; giảm mức thu phí, bãi bỏ một số phí không cần thiết. Đáng chú ý là đề xuất nghiên cứu, bãi bỏ, đơn giản hóa những thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp tại Nghị định số 78/2015 quy định về đăng ký doanh nghiệp; thủ tục liên quan đến việc đổi giấy phép kinh doanh, bỏ yêu cầu về mã số hải quan HS trong giấy phép đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, bình quân mỗi doanh nghiệp đăng ký khoảng 20 ngành nghề kinh doanh, để có thể áp mã cấp 4 cho các ngành nghề đăng ký kinh doanh này và điền vào mẫu giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp mất bình quân hai giờ để thực hiện.

Trường hợp phức tạp hơn là ngành nghề đó chưa có trong danh mục mã cấp 4 thì doanh nghiệp sẽ phải nghiên cứu, tìm kiếm các văn bản pháp luật chuyên ngành quy định để tìm cách áp mã cho phù hợp. Đối với trường hợp này thời gian để thực hiện việc áp mã trung bình có thể mất đến một ngày.

Đặt giả thiết trong trường hợp đơn giản nhất là ngành nghề đã có mã cấp 4 thì với khoảng 110.000 doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm, sẽ mất khoảng 220.000 giờ lao động của doanh nghiệp. Nếu thực thi phương án đơn giản hóa nêu trên, ước tính doanh nghiệp chỉ mất 10 phút để viết tên các ngành, nghề kinh doanh đăng ký.

Như vậy, sẽ giảm được bình quân 110 phút cho doanh nghiệp, thời gian tiết kiệm được ước tính 201.000 giờ (khoảng 8.400 ngày) lao động cho các doanh nghiệp thành lập mới.

Ngoài ra, Hội đồng tư vấn cũng đề xuất nghiên cứu, bãi bỏ thủ tục chấp thuận dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo Luật Nhà ở, thống nhất áp dụng việc xin chấp thuận chủ trương đầu tư, việc điều chỉnh dự án theo Luật Đầu tư. Gộp thủ tục cấp giấy phép quy hoạch với thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư; đơn giản hóa tối đa các yêu cầu về cung cấp trong quá trình phê duyệt dự án, thẩm định thiết kế. 

“Hiện nay, vào các dịp nghỉ hè, lễ, Tết, một số tổ chức, cơ quan nhà nước (nơi doanh nghiệp có trụ sở hoặc nhà máy sản xuất) đề nghị doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể hỗ trợ, đóng góp kinh phí cho các hoạt động này, gây bức xúc và tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có hành vi nêu trên” - báo cáo của VPCP dẫn lại đề xuất của Hội đồng tư vấn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm