Kiến trúc sư 28 tuổi đoạt giải nhất Thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM

(PLO)- Kiến trúc sư Bùi Minh Châu sinh năm 1996 đoạt giải nhất cuộc thi Thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM với tác phẩm Sóng nước giao hòa kết tình hữu nghị

Lễ trao giải cuộc thi Thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM đã diễn ra tại toà soạn báo Tuổi Trẻ vào sáng 26-1.

Đây là cuộc thi do Sở Ngoại vụ TP.HCM, báo Tuổi Trẻ, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, công ty Xi măng INSEE đồng hành, tổ chức.

Ban giám khảo cuộc thi gồm bà Phạm Trần Thanh Thảo (Phó giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM), kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn (Tiến sĩ khoa học, Chủ tịch NgoViet Architect & Planners), nhà báo Lê Xuân Trung (Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ), họa sĩ Siu Quý (Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM).

Ông Lê Thế Chữ, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ phát biểu

Phát biểu tại lễ trao giải, ông Lê Thế Chữ, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ cho biết nhìn chung ý tưởng thiết kế đa dạng, tân tiến, trong đó có những ý tưởng tích hợp cả công nghệ ánh sáng, tích hợp thông tin…, là những yếu tố thể hiện sự phát triển của TP. HCM trong tương lai.

Mục tiêu của cuộc thi là tìm những ý tưởng thiết kế khả thi, truyền thông đến công chúng chủ trương xây dựng tình hữu nghị giữa TP. HCM với các thành phố khác trên thế giới.

Kiến trúc sư Bùi Minh Châu giành giải nhất cuộc thi Thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM

BTC đã nhận hơn 130 bài thi và đã chấm trao giải cho tám ý tưởng.

Trong đó, kiến trúc sư Bùi Minh Châu (sinh năm 1996) hiện là kiến trúc sư của Takenaka Vietnam, giảng viên thỉnh giảng của Đại học Kiến trúc TPHCM giành giải nhất với tác phẩm Sóng nước giao hòa kết tình hữu nghị.

Nói về cảm hứng thiết kế, KTS Bùi Minh Châu cho biết ý tưởng xuất phát từ sự phát triển của Sài Gòn – TP. HCM gắn liền với sông nước.

Kiến trúc sư Bùi Minh Châu chia sẻ ý tưởng về tác phẩm của mình

Anh sử dụng hình ảnh sóng nước, lấy TP. HCM làm trung tâm, sau đó có thêm 58 vòng tròn lan tỏa, tương ứng với 58 địa phương TP đã có quan hệ hữu nghị.

Anh cũng dự trù khoảng năm 2044, có thêm khoảng 40 vòng tròn nữa. Ngoài cùng là hình ảnh sóng nước thủy ba, gắn liền với trống đồng, hoa văn trên trang phục vua, quan thời phong kiến. Anh cũng lập một lưới kinh độ, vĩ độ để xác định vị trí các địa phương, nối với tâm vòng tròn. Công trình sẽ kết hợp với công nghệ chiếu sáng để thêm thu hút vào buổi tối.

Điều gây băn khoăn với ý tưởng này là việc giữ gìn vệ sinh khi công trình nằm bên dưới mặt đường; hay việc quét mã QR code để tìm hiểu thêm thông tin về các địa phương…

Trước ngày trao giải, BTC nhận được email cho rằng ý tưởng của Bùi Minh Châu có nét giống, trùng lắp với tác phẩm Cổng ánh sáng từng đạt giải nhất tại Cuộc thi thiết kế cột mốc Km0 thuộc dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Sau khi xem xét, KTS Ngô Viết Nam Sơn khẳng định không có sự giống nhau giữa hai ý tưởng này. Các thành viên khác của BGK cũng có sự đồng thuận. Vì thế, BGK vẫn giữ nguyên kết quả trao thưởng.

Nhóm thí sinh đoạt giải nhì cuộc thi Thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM

Nhóm GẾNT đoạt giải nhì cuộc thi với ý tưởng biểu tượng hữu nghị TP.HCM mang tên Nối vòng tay lớn.

Nhóm gồm 3 thành viên là Huỳnh Triệu Vĩ, Võ Trương Bảo Ngân, Mai Nguyễn Vân Tâm (cùng sinh năm 2000), tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TPHCM.

Giải ba được trao cho tác phẩm Bông cúc vàng, của kiến trúc sư Đỗ Anh Ngọc.

BTC cũng đã trao 5 giải khuyến khích, gồm các tác phẩm:

- Biểu tượng hữu nghị TP.HCM: Khắc nhập khắc nhập - Trịnh Ngọc Long

- Áo dài, nón lá, chim bồ câu vào biểu tượng hữu nghị TP.HCM - Phạm Đình Tiến

- Biểu tượng hữu nghị TP.HCM: Địa cầu hoa - Nhóm Đô Đô

- Cảm hứng biểu tượng hữu nghị TP.HCM từ cây đước và những dòng sông - KTS Lê Thừa Trung Hưng

- Bức tường biểu tượng hữu nghị để du khách trải nghiệm tương tác - Ray Kuschert.

Cũng tại buổi lễ, ông Trần Phước Anh, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP. HCM cho biết cuộc thi xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, nâng tầm quốc tế của thành phố.

Theo dự kiến, Đối thoại hữu nghị TP.HCM sẽ diễn ra vào tháng 9-2024. Ông Trần Phước Anh kỳ vọng công trình biểu tượng hữu nghị này sẽ khánh thành vào dịp này và trở thành điểm check-in cho nhiều du khách, bạn trẻ, người nước ngoài sinh sống tại TPHCM… nhằm quảng bá cho du lịch, nét đẹp của TP. HCM, Việt Nam.

Phối cảnh biểu tượng của kiến trúc sư Bùi Minh Châu

Ngày 17-1, BTC cuộc thi đã mời các sở ngành liên quan đến để trao đổi và thống nhất. Đồng thời, Sở Ngoại vụ TPHCM sẽ có văn bản báo cáo UBND TP. HCM từ đó có cuộc họp chọn một ý tưởng để triển khai thực hiện.

Công trình được đặt tại công viên Lam Sơn, trước Nhà hát TP. HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới