Kiều bào chung sức cùng TP.HCM chống dịch

Ngày 12-8, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức chương trình Chuyên gia kiều bào chung sức cùng TP.HCM chống dịch.

Hỗ trợ tối đa cho người dân yên tâm chữa bệnh

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, khẳng định TP.HCM đang là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

Trước làn sóng dịch thứ tư ngày càng lan rộng đã dẫn đến số người nhiễm COVID -19 ở TP gia tăng, các bệnh viện (BV), khu cách ly, trang thiết bị và nguồn nhân lực cho công tác phòng chống dịch đang trong tình trạng quá tải. “Có thể nói chưa bao giờ ngành y tế và TP đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức to lớn đến như vậy” - Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu bày tỏ.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (trái), phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VT

Tại hội thảo, một số nội dung cũng được các chuyên gia chia sẻ như chiến lược và kế hoạch khống chế dịch COVID-19 “bốn tuần cho bốn cốt lõi và bốn mục tiêu”; ba phao hỗ trợ phòng chống dịch là phòng triệt để - chống ngay lập tức - cấp cứu kịp thời; kinh nghiệm chống dịch và cách ly tại Pari - Pháp và những đề xuất trong chống dịch, cách ly tại TP.HCM…

Ông Trần Trọng Hùng (kiều bào Ba Lan), Trưởng Ban hỗ trợ và phòng chống COVID-19 cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan, cho rằng Oxymeter/nhiệt kế có thể giúp cho các cơ sở hỗ trợ đánh giá chính xác tình trạng của người bệnh.

Theo ông, một trong những điều cấp thiết nhất hiện nay là việc các cơ sở hoạt động ngoài BV, nhóm hỗ trợ đến tận gia đình, khi đó các biện pháp phòng chống dịch mới hoàn thiện và trở thành khép kín. “Việc hỗ trợ vật chất cho người dân trong điều kiện cách ly, đặc biệt là các F0 sẽ giúp họ yên tâm chữa bệnh” - ông Hùng nói thêm.

35 tỉ đồng là số tiền mà kiều bào đã quyên góp ủng hộ cho phòng chống dịch COVID-19. Ngoài ra, các kiều bào còn đóng góp được 13,8 tỉ đồng cho quỹ vaccine và công tác phòng chống dịch cùng nhiều vật tư y tế thiết bị, nhân lực, vật lực khác…

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao PHẠM QUANG HIỆU, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài 

Cần có một trung tâm điều hành chung

Đánh giá về những biện pháp đã được thực hiện ở Việt Nam thời gian qua,  TS-BS Võ Toàn Trung (kiều bào Pháp) cho hay việc hy sinh lợi ích về kinh tế để đảm bảo lợi ích về sức khỏe cho người dân là biện pháp hợp lý và kịp thời. Ngay cả việc các BV dã chiến hay BV điều trị năm cấp cũng được thành lập rất kịp thời.

BS Trung cho rằng việc xét nghiệm trên diện rộng đòi hỏi phải nâng cao khả năng xét nghiệm, tạo mã QR code cho những người đã được xét nghiệm âm tính và cho cả việc tiêm vaccine. “Mặc dù giá trị chỉ được 3-7 ngày nhưng sẽ giúp cho việc truy vết, khoanh vùng các ca bệnh” - BS Trung nhìn nhận.

Ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt ở nước ngoài TP.HCM (bên phải) tiếp nhận quà tặng từ Quỹ Steve Bùi và những người bạn ở Nhật Bản, hôm 30-7. Ảnh: L.THOA

Đề cập đến kinh nghiệm của Pari (Pháp), BS Trung cho rằng khi BV tăng cường các trung tâm hồi sức cấp cứu cũng như tầng ba, tầng bốn thì cần có một trung tâm điều hành chung.

“Khi bệnh nhân chuyển nặng chúng ta không thể gọi 100 BV khác nhau được mà phải có một trung tâm điều hành chung. Trung tâm đó có bác sĩ điều hành chịu trách nhiệm phân phối các bệnh nhân” - BS Trung nói và cho hay việc này sẽ tận dụng được tối đa các giường, tiết kiệm được nhiều thời gian xử lý cũng như vận chuyển bệnh nhân.

Ngoài ra, dựa trên cơ sở điều hành chung sẽ dự kiến được việc cần thành lập bao nhiêu đơn vị chăm sóc ở cấp cao nhất và bao nhiêu giường dành cho bệnh nhân nặng.

Cần tính toán để nới lỏng giãn cách xã hội một cách từ từ

Về vấn đề giãn cách xã hội, TS-BS Võ Toàn Trung (kiều bào Pháp) cho rằng cần tính toán để nới lỏng giãn cách nhưng nới lỏng một cách từ từ và phải có phương pháp. Bởi theo ông, khi chưa có miễn dịch cộng đồng, chưa có các biện pháp tăng cường xét nghiệm cũng như phát hiện sớm nhất trường hợp lây lan thì nguy cơ bùng dịch sẽ còn tiếp tục.

“Chúng ta luôn chuẩn bị tâm thế các đợt giãn cách có thể còn tiếp tục nhưng chúng ta vừa làm vừa tăng cường khả năng miễn dịch cộng đồng bằng vaccine” - ông nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới