Kiều bào Pháp hiến kế để nhà ổ chuột ven kênh rạch thành 'đặc sản' TP.HCM

Chiều 14-12, tại hội nghị gặp gỡ người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến cho sự phát triển bền vững của TP.HCM với chủ đề: “TP.HCM trở lại bình thường mới hậu COVID-19: Vấn đề và Kiến nghị”, TS Bùi Quốc Bảo, kiều bào Pháp, đã có những ý kiến cụ thể về hạ tầng đô thị của TP.

kieu-bao-nha-ven-kenh

TS Bùi Quốc Bảo, kiều bào Pháp hiến kế để nhà ven kênh rạch tại TP.HCM được cải tạo để trở thành 'đặc sản'. Ảnh: Trung tâm Báo chí

Theo TS Bảo, TP.HCM bên cạnh phát triển đô thị thông minh thì cần phát triển đô thị bền vững.

Trong đó, TS Bảo nhìn nhận TP.HCM nên phát triển bản sắc riêng. Ông dẫn chứng TP.HCM có nhiều kênh rạch với khu nhà ổ chuột xấu xí nhưng nếu nhìn tích cực hơn thì đây là nơi tiềm năng tạo nét văn hoá cho TP.

Ví dụ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, cách đây khoảng 20-30 năm cũng có khu ổ chuột nhưng bây giờ đã được quy hoạch thành công. Từ đó trở thành điểm nhấn của TP, người dân chạy thể dục mỗi ngày, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

TS Bảo phân tích dù việc cải trang các con kênh sẽ rất khó về đền bù, giải phóng mặt bằng, nhưng nếu làm được thì rất hay, tạo ‘đặc sản’ cho TP.

Về kẹt xe và ngập nước, TS Bùi Quốc Bảo cho rằng có lý do từ việc người dân thường hay bỏ rác, khi mưa ngập sẽ gây ngập ống cống.

kieu-bao-nha-ven-kenh

Kiều bào Pháp cho rằng có thể cải tạo các kênh rạch. Ảnh: NGUYỆT NHI

Theo TS Bảo, vấn đề rác thải không chỉ khó khăn ở TP.HCM mà ngay cả ở Pháp. Ở Pháp tập trung làm thùng xả rác lớn, rất đẹp để người dân bỏ rác.

“Thay vì hiện giờ người dân ở chung cư thì có khu để rác riêng, ở nhà phố để rác trước nhà thì nên chăng có thể làm những trụ để rác tương đối thẩm mĩ, gần giống như hộp thư, treo lên vì TP.HCM ‘đất chật người đông’” – TS Bảo nói.

Bên cạnh đó, TS Bùi Quốc Bảo cũng góp ý về một hệ tống định vị chấm điểm cho cá nhân vi phạm luật giao thông. “Không ai dừng đèn đỏ sẽ bị chấm điểm” – TS Bảo nói.

Về chữ kí điện tử, TS Bảo kể ở những nước phát triển rất ít yêu cầu giấy tờ có công chứng, việc gửi văn bản sẽ scan qua email. Trong khi đó ở Việt Nam, từ đợt dịch COVID-19 mới thấy công tác hành chính khá vất vả, trong lúc làm việc từ xa thì chấp nhận bản scan, nhưng sau dịch thì phải ‘kí sống’.

kieu-bao-nha-ven-kenh

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chủ trì và trao đổi với các kiều bào. Ảnh: Trung tâm Báo chí

TS Bảo đề nghị vấn đề không liên quan trực tiếp đến tài chính thì dùng chữ kí điện tử. “Việc nay, các vị lãnh đạo thông cảm nhưng nhân viên cấp dưới sợ đến khi kiểm tra không có chữ kí sống là không hợp lệ” – TS Bảo nói và dẫn chứng một TP thông minh có thể đặt hàng bằng điện thoại mà phải lên ngân hàng ngồi chờ đóng thuế.

TS Bảo khẳng định những việc này liên quan đến chất lượng sống, gián tiếp góp phần giảm tắc nghẽn giao thông. “Chúng ta hay nói đô thị thông minh nhưng hàng ngày vẫn kẹt xe ngập nước, trở thành đặc sản của TP.HCM vì con người ra đường quá nhiều” – TS Bảo nói ngoại trừ thời gian có dịch COVID-19 gần đây thì gần như kẹt xe cả ngày.

Chia sẻ với tâm huyết của TS Bùi Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhìn nhận bên cạnh việc phát triển TP.HCM về giao thông, hạ tầng để có nguồn lực thì cũng phải lo xử lý các vấn đề xã hội, môi trường…

Ông Hoan cho biết đó là thách thức lớn đối với đô thị đang tăng tốc phát triển cực nhanh như TP.HCM.

Không để xe ô tô đậu bốc dỡ hàng hoá, chiếm lòng đường

Tại hội nghị, GS Đặng Lương Mô, kiều bào Mỹ, đề nghị TP.HCM áp dụng Luật Giao thông đường bộ nghiêm túc để giải quyết kẹt xe.

“Ở nước ngoài không có chuyện xe ô tô đậu bốc dỡ hàng hoá, chiếm dụng lòng lề đường đâu” – GS Mô nói và cho rằng cần xử nghiêm việc này, buộc chủ xe phải chuẩn bị được bãi đậu riêng.

gs-dang-luong-mo
GS Đặng Lương Mô, kiều bào Mỹ, hiến kế các giải pháp cho TP.HCM. Ảnh: Trung tâm Báo chí.

GS Mô cũng nêu ý kiến về việc giải quyết ô nhiễm môi trường do tiếng ồn karaoke. Ông cho rằng ngay cả trong một hội trường thế này cũng… sắp sửa vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, chứ chưa nói gì âm thanh karaoke trong xóm với hàng trăm decibel. GS Mô cho rằng chính quyền chưa áp dụng Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; cần ra quy định cho công an khu vực xử phạt nghiêm những vi phạm này.

Trao đổi lại với GS Mô, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết hậu COVID-19 để lại những thách thức sâu sắc hơn, trở thành chuyện cấp bách.

Ông Hoan nhìn nhận có nhiều việc TP.HCM phải làm nhưng việc trước mắt là góp ý hoàn thiện hệ thống pháp luật sớm, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường, Giao thông đường bộ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm