Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu nguội lại

Báo New York Timesnhận định hai dấu hiệu. Nạn thất nghiệp đang bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc. Hiện thời các công ty thuê công nhân dễ dàng hơn. Người thất nghiệp tự tìm đến các công ty tìm việc và chấp nhận làm công việc nhàm chán trong các nhà máy lắp ráp. Nếu kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại, các khoản vay khổng lồ mà ngân hàng Trung Quốc bỏ ra cho doanh nghiệp có thể sẽ gặp trục trặc.

Thêm vào đó, cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đang ấm dần lên. Mỹ đổ lỗi cho hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc làm suy yếu khu vực sản xuất của Mỹ, dẫn đến tình trạng thất nghiệp kinh niên. Thượng viện Mỹ đang gây sức ép với Nhà Trắng yêu cầu Trung Quốc tăng giá đồng nhân dân tệ nhằm tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Mỹ.

Đồng nhân dân tệ lên giá sẽ có lợi cho các nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, nếu tỉ giá tăng quá mức, kinh tế Trung Quốc lại phát triển chậm hơn nữa khiến kinh tế thế giới càng bị ảnh hưởng trầm trọng hơn.

Theo dõi các diễn biến nêu trên, các nhà đầu tư và nhà kinh tế trong và ngoài Trung Quốc đều bi quan. Tính đến cuối tuần rồi, chứng khoán hạng A tại Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải đã giảm 14,7% so với giữa tháng 7. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay là 7%. Dù khả năng đạt mức tăng trưởng 8%-9% vẫn còn cao nhưng vẫn chưa bằng mức 10% trong 20 năm qua của Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc đã thông báo mức tăng trưởng 7% không đủ cho chính phủ thông qua gói kích thích kinh tế mới. Đây là tin xấu đối với các nền kinh tế khác. Báo Washington Post ghi nhận khi kinh tế thế giới bị khủng hoảng năm 2008, Trung Quốc đã phản ứng lại bằng cách thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỉ nhân dân tệ (586 tỉ USD).

Sau đó, thị trường bất động sản, xây dựng và mua bán ô tô khởi phát. Trung Quốc trở thành một nguồn huyết mạch nuôi sống một số công ty của Mỹ. Tập đoàn Ô tô General Motors của Mỹ tránh được phá sản nhờ nhu cầu xe ô tô ở Trung Quốc tăng vọt. Do nhu cầu xây dựng bùng nổ ở Trung Quốc, các nền kinh tế cung cấp nguyên liệu thô và bán máy móc hạng nặng cho Trung Quốc như Úc, Chile, Brazil và Canada sống được.

Một khi Trung Quốc ngừng kích thích kinh tế và các ngân hàng Trung Quốc siết chặt cho vay để giảm thanh khoản dư thừa, kinh tế thế giới sẽ không còn có thể dựa vào Trung Quốc để thúc đẩy phát triển nữa.

QUANG MINH (Mỹ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm