2013: Không áp trần lãi suất cho vay chung

Tại buổi họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng năm 2012 và định hướng cho 2013 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thống đốc NHNN đã trao đổi với báo giới nhiều vấn đề xung quanh việc điều hành lãi suất và vàng trong năm 2012.

Giảm lãi suất phụ thuộc vào lạm phát

. Phóng viên: NHNN vừa giảm thêm 1 điểm phần trăm lãi suất điều hành, tuy nhiên lãi suất cho vay vẫn ở mức cao. Các doanh nghiệp cho rằng lãi suất cho vay nên dưới 10% thì mới tiếp cận được?

2013: Không áp trần lãi suất cho vay chung ảnh 1
+ Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN: Nền tảng trong điều hành tiền tệ vẫn là kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu lạm phát năm tới ở mức 4%-5% thì có thể giảm nhanh lãi suất. Thế nhưng qua phân tích, bên cạnh chiều hướng chung, còn nhiều yếu tố gây nguy cơ bùng nổ lạm phát trở lại. Do đó việc điều hành chính sách phải thận trọng hơn.

Năm 2012, lãi suất đã có bước giảm mạnh, từ mốc 14% xuống còn 9% thì nhanh nhưng từ 9% xuống 8%/năm thì phải cân nhắc. Bởi lạm phát tháng 9 biến động lớn 2,2%, gây nguy cơ bùng nổ bất kỳ thời điểm nào. Trong hai tháng cuối năm, khi NHNN đánh giá chắc chắn lạm phát kiểm soát được, mới quyết định giảm lãi suất thêm 1 điểm phần trăm. Năm 2013 có giảm được lãi suất hay không phụ thuộc vào tình hình kiểm soát lạm phát.

. Liệu trong năm 2013, NHNN có tiếp tục hạ lãi suất và áp trần lãi suất cho vay hay không?

+ Về trần lãi suất cho vay, nếu như năm ngoái áp trần lãi suất cho vay chung thì không có tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội đạt 5% và không hướng được tín dụng vào sản xuất, bởi vốn tín dụng đổ vào bất động sản quá nhiều, doanh nghiệp vay lãi suất cao. Năm tới, NHNN không tính đến việc áp dụng trần lãi suất chung với tất cả lĩnh vực nhưng có thể xem xét trần lãi suất cho vay với lĩnh vực ưu tiên.

2013: Không áp trần lãi suất cho vay chung ảnh 2

Quang cảnh buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2012 và định hướng cho 2013 của NHNN ngày 27-12. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG

Đã xử lý 39.000 tỉ đồng nợ xấu

. Nhiều chuyên gia đánh giá rằng việc xử lý nợ xấu hơi chậm? Quan điểm của thống đốc về vấn đề này thế nào?

+ Theo tôi, ý kiến này vừa đúng vừa không đúng. Đúng, nợ xấu được xử lý nhanh là tốt nhưng trong bối cảnh của Việt Nam thì không thể được. Chẳng hạn ở Mỹ, chính phủ nước này có nguồn lực tài chính lớn nên bỏ ra một cục tiền mua hết các khoản nợ xấu, cơ quan quản lý thì nắm danh mục các khoản nợ. Ở Việt Nam thì không thể áp dụng cách thức đó. Trong hoàn cảnh “cái khó bó cái khôn”, việc xử lý nợ xấu của Việt Nam cam go hơn nhưng chúng ta xử lý như hiện nay là khá quyết liệt. Tính đến tháng 10-2012, số nợ được cơ cấu lại là 252.000 tỉ đồng. Các ngân hàng hy sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro với mức dự kiến khoảng 90.000 tỉ đồng và từ đầu năm đến nay đã trích lập được 78.000 tỉ đồng. Riêng về nợ xấu, các ngân hàng đã xử lý được 39.000 tỉ đồng.

. Năm 2013, NHNN sẽ dành 20.000-40.000 tỉ đồng với lãi suất 8%/năm cho người dân vay mua nhà? Số tiền này được lấy từ đâu?

+ Nguồn tiền sẽ được lấy từ NHNN và phân bổ cho các ngân hàng thương mại.

. Hiện giá vàng trong nước vẫn chênh nhau và tiếp tục biến động. Năm 2013, thống đốc sẽ làm gì để giá vàng trong nước sát với giá thế giới?

+ Nghị định 24/2012 về kinh doanh vàng không đặt ra vấn đề làm sao để giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới, mà đặt vấn đề bình ổn thị trường vàng. Thực tế không có cơn sốt vàng nào. Chính các tổ chức tín dụng đang phải mua vàng vào để tất toán các khoản tín dụng vàng trước đây, nhu cầu lớn thì giá cao. Quan trọng là sau khi đóng xong huy động và cho vay vàng, NHNN sẽ chuyển sang mua bán, tăng thêm nguồn dự trữ vàng có lợi cho quốc gia.

. Năm 2012 sắp qua, thống đốc thấy hài lòng và không hài lòng điều gì trong điều hành hệ thống ngân hàng?

+ Điều tôi hài lòng là các mục tiêu kinh tế vĩ mô đã thành công như về lạm phát, thanh khoản, lãi suất và thị trường vàng.

Nới lỏng cho vay phi sản xuất

NHNN đặt ra mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 8%, tăng trưởng tín dụng khoảng 12%, song sẽ có điều chỉnh tùy vào thực tế. Vốn tín dụng được ưu tiên cho các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao…) và bổ sung nới lỏng kiểm soát đối với lĩnh vực phi sản xuất, nhất là bất động sản.

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ

Tiếp tục triển khai lộ trình xóa bỏ “vàng hóa”

Năm 2013, NHNN tiếp tục triển khai lộ trình xóa bỏ tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế, quản lý chặt thị trường vàng để hạn chế đầu cơ, làm giá. NHNN sẽ cấp phép cho 14 doanh nghiệp và 17 tổ chức tín dụng (TCTD) đáp ứng các điều kiện kinh doanh, mua bán vàng miếng. Dự kiến cả nước sẽ có trên 2.000 điểm giao dịch mua bán vàng miếng.

Từ ngày 10-1-2013, các TCTD, doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng do NHNN cấp sẽ không được phép thực hiện kinh doanh mua bán vàng miếng. Sau TCTD tất toán hoàn toàn số dư huy động bằng vàng trước ngày 30-6-2013, chấm dứt huy động và cho vay vàng đầu tư hoặc chuyển đổi vàng huy động vàng thành tiền, thị trường vàng chỉ còn quan hệ mua, bán đúng nghĩa. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu và tâm lý nắm giữ vàng trong dân. Các TCTD có thể mở dịch vụ giữ hộ vàng có thu phí để bảo đảm an toàn tài sản của người dân.

Ngoài ra, NHNN sẽ đẩy nhanh tiến độ gia công chuyển đổi vàng miếng phi SJC để hỗ trợ cho các TCTD có nguồn vàng chi trả cho các khoản huy động, giữ hộ đến hạn.

Ông NGUYỄN QUANG HUY,Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối

NAM GIANGghi

TRÀ PHƯƠNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm