3 phương án ứng phó khi Mỹ rút khỏi TPP

Sáng 28-2, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế quốc tế chủ trì phiên họp lần thứ nhất của năm 2017, đánh giá kết quả hoạt động năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Công Thương cũng đã chia sẻ một số thông tin liên quan đến TPP.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên cho biết Bộ Công Thương đã có ba phương án ứng phó khi Mỹ rút khỏi TPP.“Chúng ta sẽ phân tích với những biến động này thì tác động đến thương mại, đầu tư của chúng ta như thế nào? Cơ bản do TPP chưa đi vào thực thi nên tác động mang tính gián tiếp nhiều hơn. Có nghiên cứu nói Việt Nam có thể chịu tác động lớn thứ hai sau Mexico nhưng đó là tác động kỳ vọng thôi, còn tác động thực tế chưa đến mức lớn như một số phương tiện truyền thông đã nêu” - ông Thái nói.

Ông Thái cho rằng dù có TPP hay không thì tự thân Việt Nam có nhiều vấn đề cải cách cần thực hiện là minh bạch hóa tài chính công, cải cách thủ tục hành chính chính…

3 phương án ứng phó khi Mỹ rút khỏi TPP ảnh 1
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp sáng 28-2. Ảnh: TP

Ngoài ra, ông Thái nêu thực tế, Việt Nam hội nhập ASEAN mạnh mẽ và sâu rộng, đã hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN nhưng xuất khẩu sang khu vực này lại chững lại. Đây là hiện tượng đáng quan tâm, cần nghiên cứu.

Giải thích cho hiện tượng này, ông Thái cho rằng tâm lý chung trong các nước ASEAN là tăng cường khả năng sản xuất chung, thu hút đầu tư từ ngoài khối để phục vụ xuất khẩu sang các thị trường khác.

“Hình tượng ASEAN là hình tượng của bó lúa, chụm lại ở gốc nhưng ngọn hướng ra bên ngoài. Tỉ lệ thương mại nội khối trước đây là 25% nhưng nay đã giảm đi một nửa” - Vụ trưởng Thái giải thích.

Về nguyên nhân chủ quan, Bộ Công Thương cho biết cơ cấu kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam tương đối giống với các nước ASEAN. “Họ làm gì ta cũng làm cái đấy” - ông Thái nói; đồng thời cho biết năng lực của DN Việt Nam tận dụng các cơ hội thấp thể hiện ngay chỉ số doanh nghiệp tận dụng ưu đãi chỉ ở mức 30%, còn rất thấp (mặc dù tăng so với mức 10% trước đây).

Nguyên nhân là do DN trong nước muốn hướng tới thị trường trong nước hoặc là các thị trường khác, không muốn thâm nhập vào thị trường ASEAN. Đại diện Vụ Thương mại đa biên cũng cho biết ngoài xu hướng này thì các nước ASEAN cũng dựng lên các hàng rào thương mại và xu hướng này sẽ tăng lên trong thời gian tới. Chính phủ, các bộ, ngành cũng phải hỗ trợ DN vượt qua rào cản này.

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng quá trình triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như Công tác phối hợp để xây dựng các chương trình, kế hoạch về hội nhập kinh tế quốc tế vẫn còn lỏng lẻo, vẫn còn nặng tư tưởng cơ quan chủ trì phải chịu trách nhiệm chính còn cơ quan phối hợp đôi khi chỉ tham gia một cách hình thức; thậm chí không tham gia nên các chương trình, kế hoạch còn thiếu tính toàn diện từ khâu xây dựng, triển khai đến đôn đốc, giám sát, đánh giá.  

Phó Thủ tướng không hài lòng khi vẫn còn hơn 70 thủ tục hải quan chuyên ngành vẫn tồn tại, gây khó cho hoạt động xuất khẩu trong nước, cần phải được sớm loại bỏ.

Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo cần nghiên cứu các nội dung tác động của xu thế bảo hộ thương mại trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, việc Mỹ rút khỏi TPP và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam; vấn đề rào cản phi thuế quan và thuận lợi hóa thương mại trong thúc đẩy thương mại nội khối ASEAN; thúc đẩy thương mại với một số nước Trung Đông, châu Phi vốn là thị trường mà Việt Nam còn để ngỏ; nghiên cứu thêm các chính sách phòng vệ thương mại khi Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua Luật Quản lý Ngoại thương trong thời gian tới.

Trong năm 2017, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phối hợp và tổ chức tốt năm APEC 2017 tại Việt Nam nhằm nâng cao vai trò của Việt Nam trong diễn đàn APEC, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng cơ hội tìm kiếm đối tác cho các doanh nghiệp trong nước...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm