5G mở ra nhiều cơ hội phát triển ngành nghề mới

Tại sự kiện Tech Summit 2020 do tạp chí Forbers Việt Nam tổ chức ngày 16-7, ông Denis Brunetti, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, nhận định công nghệ thông tin, viễn thông đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi nền kinh tế Việt Nam nhiều năm qua.

Bằng chứng là nhờ vào sự ra đời của các nhà mạng, người dân Việt Nam đã có thể kéo gần khoảng cách với nhau gần hơn thông qua việc sử dụng Internet, đồng thời có cơ hội sử dụng Internet giá rẻ.

Sự phát triển của công nghệ thông tin viễn thông cũng đã thúc đẩy sự ra đời của nhiều ngành và dịch vụ, công ty xây dựng nội dung trên nền tảng viễn thông ra đời. Điều này đã tạo thêm nhiều việc làm và cơ hội kinh tế, từ đó thúc đẩy tăng trưởng GDP cho đất nước.

Ông Brunetti cũng cho rằng Việt Nam đang là một trong những quốc gia thu hút được vốn đầu tư nước ngoài, ký nhiều hiệp định tự do thương mại hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Thêm vào đó, việc sở hữu một nền kinh tế và chính trị ổn định đã giúp Việt Nam trở thành địa chỉ đầu tư lý tưởng của nhiều tập đoàn đa quốc gia.

Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu kinh tế vượt bậc, Việt Nam cần tiếp tục con đường chuyển đổi số mạnh mẽ. Trong đó, 5G là một tác nhân quan trọng giúp việc chuyển đổi số diễn ra nhanh và hiệu quả hơn.

mang-5g-giup-phat-trien-kinh-te

Theo ông Denis Brunetti, với 5G tất cả ngành nghề sẽ thay đổi. Ảnh: T.H

"Khi đầu tư vào bất cứ quốc gia nào, chúng tôi nhìn vào hệ thống cơ sở hạ tầng. Một nơi sở hữu thành phố thông minh với mạng lưới băng thông rộng sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn"- ông Brunetti nói.

Vị tổng giám đốc Ericsson bày tỏ, nếu như trước đây 3G mang lại công nghệ di động số vẫn còn hạn chế, 4G gia tăng tỉ lệ sử dụng các ứng dụng đòi hỏi băng thông rộng thì với 5G tất cả ngành nghề sẽ thay đổi.

Với hệ thống 5G truyền tải thông tin, ông tin các ngành sản xuất sẽ thay da đổi thịt với sự xuất hiện của các robot có thể điều khiển từ xa trong nhà máy, từ đó cải thiện mạnh mẽ năng suất lao động.

Người nông dân có thể thu hoạch mùa màng bằng thiết bị không người lái, hệ thống y tế chữa trị từ xa sớm thành hiện thực. Hay thông qua việc tận dụng mạng 5G, các công ty khởi nghiệp sẽ có nhiều không gian sáng tạo hơn, xây dựng được nhiều ứng dụng và dịch vụ mới mẻ, tạo ra nhiều người dùng hơn.

"Với nền tảng hạ tầng mạng tốc độ cao, ai trong chúng ta cũng có thể tạo ra những nền tảng mới nổi tiếng như Amazon, Facebook… Tất cả điều này là nhờ vào công nghệ 5G đã xóa bỏ độ trễ trong truyền tải dữ liệu thông tin”- ông Brunetti cho biết.

Cũng theo vị này, điều quan trọng hiện tại là Việt Nam cần tập trung phát triển kinh tế. "Chúng tôi tin vào viễn cảnh năm 2045, Việt Nam trở thành một nền kinh tế phát triển. Ericsson đang bắt tay cùng những doanh nghiệp viễn thông hàng đầu quốc gia để hiện thực hoá tầm nhìn này".

 Thông tin từ Bộ Thông tin- truyền thông (TT&TT), ngày 17-1-2020, cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Viettel tự nghiên cứu và sản xuất, được thực hiện thành công.

Như vậy, Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G, đến tháng 10-2020, Việt Nam sẽ tiến hành thương mại 5G bằng 100% thiết bị trong nước. Đây là một bước tiến quan trọng để vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo tốt về an ninh - quốc phòng.

Theo Vụ Công nghệ thông tin của Bộ TT&TT, phát triển mạng 5G là một trong những định hướng trọng tâm về nâng cao năng lực hạ tầng số, phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Để triển khai định hướng này, một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng là Việt Nam cần nghiên cứu làm chủ việc thiết kế, sản xuất chip và thiết bị mạng 5G.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm