Ai bảo vệ khách hàng chân chính?

Những khách hàng không tuân thủ quy định, đợi nước đến chân mới nhảy thì không bàn, song những khách hàng thật thà trở thành nạn nhân bất đắc dĩ thì ai bảo vệ?

Thực tế, khá nhiều người đi đăng ký SIM bỗng té ngửa là số chứng minh nhân dân (CMND), hộ chiếu của mình đã đăng ký đủ ba số thuê bao trả trước theo quy định. Thắc mắc thì chỉ nhận được câu trả lời “Không biết” từ đại lý hoặc hướng dẫn “Đến nhà mạng tìm câu trả lời”. Thế nhưng điều đáng quan tâm là các “khổ chủ” khi đến số 5 Láng Hạ (địa điểm giải quyết khiếu nại của VinaPhone tại Hà Nội) hỏi ba số máy đã đăng ký tên họ là số nào thì nơi này từ chối tiết lộ!

Bà Nguyễn Thu Hồng, phụ trách truyền thông của VinaPhone, lý giải trên thực tế có một số đại lý đã lợi dụng việc dùng một CMND đăng ký nhiều thông tin thuê bao trả trước để trục lợi. Khi phát hiện ra những trường hợp này, VinaPhone đã dừng hợp đồng với đại lý. Về phía Viettel, nếu phát hiện thuê bao thứ tư trên một CMND, doanh nghiệp sẽ cắt luôn thuê bao và phạt các đại lý.

VinaPhone cũng như một số nhà mạng khác cho rằng hiện chưa được kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu CMND của công an nên không xác minh được thật-giả. Tuy nhiên, phía công an khẳng định cơ sở dữ liệu CMND để phục vụ quản lý công dân, phòng chống tội phạm chứ không thể để phục vụ cho doanh nghiệp!

Rõ ràng sự lộn xộn có nguy cơ xâm hại lợi ích của những khách hàng “thật thà” là có thật, bắt nguồn từ chủ trương cũng như giải pháp bất nhất, lúng túng của các mạng cũng như của cơ quan quản lý. Một thời gian dài cho phép đăng ký nhiều thuê bao dẫn tới việc đại lý kích hoạt ào ào để bán SIM. Việc trước đây cho phép khách hàng đăng ký thông tin cá nhân qua mạng (không kiểm chứng) cũng khiến nhiều người đưa số liệu không chính xác. Sự chậm chạp của chính sách sau thực tiễn dự báo sẽ đưa lại nhiều hệ lụy mà khách hàng phải gánh.

Sau hôm nay, câu hỏi ai sẽ bảo vệ khách hàng chân chính (nếu bị cắt dịch vụ) vẫn chưa có lời đáp.

VŨ MAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm