'Anh Khánh nói tôi phê phán Bộ Công Thương quá trời!'

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tham dự "Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019" diễn ra sáng nay 2-5-2019. Trong phần thảo luận về “đối tác công tư” liên quan đến chủ để khai thác hiệu quả Hiệp định CPTPP, bà Hạnh đã có những “phút trải lòng”. Chúng tôi lược ghi lại những phát biểu đáng chú ý của bà Hạnh.

“Tôi nói với các tham tán thương mại các nước là chúng tôi không nhận đồng nào ngân sách nhà nước. Họ không tin, vì như thế thì làm sao mà sống được. Chúng tôi đặt ra thách thức, nếu các DN không đóng tiền cho mình qua tư cách thành viên hay trả cho các dịch vụ thì phải đóng cửa thôi.

Nhiều khi thấy rất khó khăn, nhưng khó khăn ấy là lý do để tồn tại. Hiện chúng tôi đang đàm phán với các Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc, họ không hiểu vì sao chúng tôi không được cấp nhà, xe lương bổng từ nhà nước.

Khi chúng ta thông qua CPTPP, chúng tôi theo dõi hàng ngày, lập ra một Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN. Nhóm thông tin thị trường hội nhập luôn theo dõi website của các nước trong CPTPP. Nhìn lại VN mình thấy rất “rầu”.

Bà Vũ Kim Hạnh phát biểu như "trải lòng" tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, chủ đề về CPTPP

Anh Khánh (Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh-PV), nói: “Trời ơi chị Hạnh phê phán Bộ Công Thương quá trời. Chúng tôi, anh Khánh cũng như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là bạn bè từ hồi nảo hồi nào. Biết khi viết thế thì bạn bè sẽ không vui. Nhưng cân nhắc giữa nhu cầu của doanh nghiệp và tình cảm với một số người thì mình phải chọn lựa thôi.

Tôi tâm sự với anh Khánh thì mới thấy nhiều vấn đề giữa nhà nước và các hiệp hội. Ví dụ anh Khánh đang phụ trách truyền thông về CPTPP, không có một đồng một cắc nào. Nhưng tôi khi cần cái gì thì tôi mời nhóm doanh nghiệp “ruột thịt” nhất, tôi không bị bế tắc. Nếu chúng tôi biết chuyện đó thì chúng tôi “rủ” các hiệp hội khác đóng tiền vào làm tuyên truyền CPTPP vì đó là việc rất cần.

Khi CPTPP có hiệu lực, tôi có mấy người bạn ở ĐBSCL, khi xuống trình bày, mời chuyên gia trình bày, thì Bí thư hay Chủ tịch tỉnh nói: cái này mới quá, hơi sợ đó… Lãnh đạo thấy cực kỳ khó khăn. Thấy số trang, đọc lên thấy bùng nhùng… Chúng tôi mời từng nhóm. Chúng tôi chọn cách mỗi tuần mời một chuyên gia, ngồi với nhau từ sáng tới chiều, nói hết…

Lẽ ra, Bộ Công Thương, cũng như Bộ NN&PTNT phải làm cái này. Bởi nếu lãnh đạo các tỉnh không nắm được những vấn đề cốt lõi của CPTPP, thì không chỉ đạo được các sở ban ngành, các HTX nông nghiệp và doanh nghiệp ở địa phương. Tôi thấy thông tin không đi xuống tới tận cơ sở.

Tôi đọc báo rất kinh ngạc khi ông Phó GĐ Sở NN&PTNT ở Lào Cai, ngày 15-4, nói: “Tôi thua một canh bạc và tôi bị người ta cắt cầu”. Sao một tỉnh ở gần Hà Khẩu mà lại nói thế, người ta đã nói từ trước đó về chuyện hạn chế tiểu ngạch, trong đó có dứa rồi mà. Còn có chuyện buồn cười, có một chị làm ở một HTX rất lớn ở trong Nam hỏi: ta tiếp tục đàm phán với Trung Quốc về quả “roi” là quả gì vậy chị? Nhà nước soạn văn bản nhiều khi không chú ý chi tiết nhỏ này. Hay có người hỏi tôi, dừa, bưởi là sản phẩm thế mạnh, miền Tây đang trồng rất nhiều, sao khi đàm phán lại đàm phán về quả vải.

Tôi thấy vấn đề thông tin là rất bức bách.

Trong phần phát biểu sau đó, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh “đính chính” một chút. Bởi có lẽ khi trao đổi với bà Hạnh, không gian hơi “ồn”, nên bà Hạnh không nghe rõ. Theo Thứ trưởng Khánh, ông nói với bà Hạnh về việc không có kinh phí xây dựng “portal” (dạng cổng thông tin) về CPTPP. Nhưng đó là giai đoạn trước. Bởi việc xây dựng portal này liên quan tới “quy trình”.

Hiện nay, Bộ Công Thương đã xây dựng portal về CPTPP. Thứ trưởng Khánh nói rằng: “Cổng thông tin về CPTPP này không thua kém bất cứ một portal nào về CPTPP của các nước trong CPTPP”.

Thứ trưởng Khánh cũng đề cập đến sự khác biệt trong tìm hiểu thông tin về CPTPP, cũng như thông tin kinh tế trong nước, quốc tế giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc thì cho rằng: để làm tốt công tác thông tin cho doanh nghiệp thì cần phải đẩy mạnh “xã hội hóa dịch vụ công” hơn nữa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm